Lại xảy ra cháy quán bia: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng nửa tháng (6 – 21/7) trên địa bàn TP đã xảy ra 2 vụ cháy quán bia khiến một người tử vong tại chỗ và nhiều đồ đạc bị thiêu hủy. Xung quanh những sự cố trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ra soát, kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng.

 Hiện trường vụ cháy trên đường Lê Hữu Thọ.
Khoảng 19 giờ 10 phút ngày 6/7, tại một quán bia hơi trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), đoạn đối diện với Cung Văn hóa Hữu Nghị đã xảy ra cháy khiến nhiều thực khách phải nhảy từ tầng 2 xuống để thoát thân. Cụ thể, tại thời điểm này, lửa và khói bốc lên từ bếp của quán bia đã phủ kín cầu thang dẫn lên tầng 2, khiến nhiều thực khách phải nhảy từ tầng này xuống để thoát thân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã có măt tại hiện trường để dập tắt ngọn lửa. Nguyên nhân ban đầu của sự cố trên được dự đoán là do bình gas xì hơi gây bắt cháy.
Tiếp đó, khoảng 13 giờ ngày 21/7, tại quán bia số 94 đường Lê Hữu Thọ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cũng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, lửa bất ngờ bùng lên dữ dội từ trong quán khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy ra ngoài. Vụ hỏa hoạn diễn ra bất ngờ khiến một nữ nhân viên đang nghỉ trưa trên tầng 2 không kịp thoát ra ngoài và tử vong. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do chập điện.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực PCCC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó, nguyên nhân chủ quan của chủ các cơ sở kinh doanh, nhân viên cơ sở và và các thực khách là chủ yếu dẫn đến các vụ hỏa hoạn.
Tại nhiều cơ sở, việc sử dụng bình gas công nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí kinh doanh không được thực hiện theo đúng quy định về khoảng cách, vị trí an toàn. Thậm chí, có nơi còn sử dụng sử dụng bình gas trôi nổi, các thiết bị không bảo đảm, vỏ bình cũ nát… làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt, theo quy định, các cơ sở kinh danh ăn uống phải trang bị đầy đủ các phương tiện về PCCC, lối thoát hiểm, thoát nạn… nhưng nhiều cơ sở trang bị, chấp hành chỉ để đối phó với các đoàn kiểm tra, còn đâu hàng ngày “cất” đi cho… mới.

Từ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn những vụ hỏa hoạn có thể xảy ra tại các cơ sở kinh doanh, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Bởi, đây là các địa điểm thường xuyên tập trung đông người, trong khi đó việc tuân thủ các quy định về PCCC còn nhiều hạn chế, nếu hỏa hoạn xảy ra hậu quả sẽ không gì đong đếm được.