Làm sao để khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc huy động vốn phụ thuộc vào môi trường kinh tế và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp có đang cần vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý tại Talkshow với chủ đề “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán”, ngày 15/6 do Báo Đầu tư thực hiện.

4 trụ cột của thị trường

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Tạ Thanh Bình cho biết, 3 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với nhà đầu tư. Cùng với đó, nhiều yếu tố khiến cho huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như  mặt bằng lãi suất cao, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cơ bản, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán”, ngày 15/6
Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán”, ngày 15/6

Bên cạnh đó, các kênh huy động như trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tâm lý của nhà đầu tư còn “dè dặt”, thể hiện ở việc thanh khoản thấp hơn rất nhiều so với thời gian bùng nổ của thị trường năm 2021. Mặc dù thanh khoản có khởi sắc trong khoảng 1 tháng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp, chứng tỏ môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ cho các đợt phát hành của doanh nghiệp. Về nội tại của doanh nghiệp cũng đang khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn chưa thực sự mạnh mẽ.

Những biến động khó lường của thị trường trong thời gian gần đây chính là một kinh nghiệm rất lớn đối với tất cả nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý trong việc điều hành thị trường sao cho đảm bảo thị trường vẫn có thể chống chọi với những sức ép lớn từ các yếu tố khách quan, đồng thời vẫn có những khía cạnh để phát triển bền vững.

“UBCKNN không quá chú trọng tăng trưởng về mặt quy mô hay số lượng, thay vào đó tập trung vào những giải pháp giúp thị trường phát triển bền vững và tăng khả năng chống chịu trước những tác động, biến động khách quan” - đại diện UBCKNN cho hay.

Bà Bình cho biết thêm, một trong 4 trụ cột chính là chất lượng hàng hoá, để hàng hoá trên thị trường tốt đầu tiên cần có những doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt. Đó là lý do vì sao việc nâng cao chất lượng quản trị theo hướng áp dụng các công nghệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị chính là những vấn đề UBCKNN hướng tới. Điều này sẽ tạo ra một nền tảng doanh nghiệp đạt chất lượng không chỉ đối với thị trường Việt Nam mà còn tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế.

Về phía UBCKNN đang cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Ví dụ với thị trường phái sinh, một trong những lý do khiến thị trường này có những biến động mạnh trong thời gian qua là vì số lượng hàng hoá trên thị trường vẫn còn quá ít. Chúng ta chỉ có mỗi một sản phẩm cho nên các nhà đầu tư có thể quan tâm sản phẩm đó một cách quá mức, dẫn đến việc giao dịch sản phẩm có thể hơi thái quá so với thông thường.

Nâng cấp thị trường, hạn chế rủi ro

Bà Bình cho biết, UBCKNN cũng đang nỗ lực để tạo sản phẩm tốt hơn. Chẳng hạn, nói về phái sinh, một trong những lý do khiến thị trường này biến động mạnh là do số lượng sản phẩm phái sinh cũng đang còn quá ít, chỉ có mỗi một sản phẩm. Bởi vậy, khi nhà đầu tư quan tâm quá mức cho một sản phẩm nên việc giao dịch sản phẩm này có phần hơi thái quá.

Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán
Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán
 

Tháng 7 tới sẽ vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được nút thắt trên thị trường này. Khi thị trường này vận hành thì vai trò các công ty chứng khoán thành viên rất quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả các nhà đầu tư khi tham gia đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình cho biết

Theo bà Bình, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây đó là UBCKNN sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh, như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp tục là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.

Để hỗ trợ cho tất cả việc này, cơ quan quản lý sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX), hệ thống này không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới mà còn hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.

Hiện UBCKNN cũng đang tích cực trong việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong nghị định này có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục và UBCKNN cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.

Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội Vũ Đức Tiến  (SHS) cho biết, thị trường chứng khoán luôn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và kinh tế thị trường càng mở sâu thì vai trò của thị trường chứng khoán càng lớn. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất quan trọng, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây cũng rất mạnh mẽ đã tạo ra nguồn lực trong dân, nguồn lực này nếu chuyển đến thị trường chứng khoán thì sẽ là động lực lớn.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu thị trường theo 4 trụ cột và thị trường sẽ hưởng lợi từ điều này. Trong một thế giới đầy biến động thì Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ môi trường đầu tư ổn định. Cùng đó, Chính phủ đã nhận diện tất cả những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đang triển khai rất quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng GDP, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Tiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp niêm yết cũng cần phải xác định rằng, đã là doanh nghiệp thì mục tiêu là làm kinh doanh, chứ không phải lên sàn để thao túng, làm giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính và nỗ lực kinh doanh thì sẽ gặt hái được kết quả vì thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên tham gia niêm yết và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, thực sự trở thành doanh nghiệp vì mình, vì thị trường chứng khoán và nhà đầu tư. Như vậy, thị trường chứng khoán cũng sẽ mang trở lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, ông Tiến nhìn nhận.