Làm thế nào để không bị lừa xuất khẩu lao động, bán sang nước ngoài?

Tân Tiến - Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tuổi của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động từ 18 - 30 tuổi. Đây là nhóm tuổi thích sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Lợi dụng thói quen này, các đối tượng đăng quảng cáo trên mạng xã hội để lừa đảo.

Bình tĩnh kiểm chứng thông tin công ty tuyển dụng

Ngày 11/7, ngày thứ Hai của kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra với nhiều nội dung được thảo luận. Tại kỳ họp này, Công an TP (CATP) đưa ra nhiều đúc kết để khuyến cáo người dân không bị lừa xuất khẩu lao động hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt (áo đen) được “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội giải cứu từ Campuchia.
Nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt (áo đen) được “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội giải cứu từ Campuchia.

Theo CATP, hiện nay tuổi của người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) dao động từ 18 - 30 tuổi. Đây là nhóm tuổi thích sử dụng mạng xã hội, như Zalo, Facebook và có thói quen xem tin quảng cáo trên các trang này. Lợi dụng thói quen này, các đối tượng đăng bài quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội với chiêu bài tuyển dụng, đơn hàng đi Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc với chi phí rẻ, tiêu chuẩn tuyển chọn thấp; quy định phỏng vấn và ngoại ngữ rất đơn giản. Từ những lời mời hấp dẫn này đã khiến không ít người thiếu tỉnh táo và sập bẫy lừa của các đối tượng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng tâm lý nôn nóng của NLĐ muốn ra nước ngoài làm việc, và những lỗ hổng trong quy trình giao dịch online của các doanh nghiệp, tình trạng lừa đảo XKLĐ xuất hiện với tần số dày hơn, đi kèm với nhiều hình thức mới, nhất là trong thời đại dịch Covid-19 hoành hành.

Do vậy, để nhận diện và phân biệt đâu là thông báo tuyển dụng chính thức, NLĐ nên bình tĩnh, sáng suốt thực hiện quy trình kiểm tra theo các bước: NLĐ trước khi quyết định đến công ty nào để lựa chọn dịch vụ XKLĐ, nên tìm hiểu thật kỹ mọi thông tin liên quan (tên công ty, quy mô công ty đó thế nào, có đủ các bộ phận tư vấn tuyển sinh, đào tạo tiếng, đào tạo nghề hay không, thông qua người có kinh nghiệm trong lĩnh vực XKLĐ để kiểm chứng xem công ty đó có giấy phép hay không).

Kế đến, quan trọng nhất là kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động nước ngoài (www.dolab.gov.vn) xem công ty đó có được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cấp phép phái cử  lao động hay không.

Tôi phạm buôn người chỉ liên hệ với nạn nhân thông qua Zalo, Facebook, Telegram.
Tôi phạm buôn người chỉ liên hệ với nạn nhân thông qua Zalo, Facebook, Telegram.

Tiếp theo, NLĐ nên yêu cầu nhân viên tư vấn online gửi hình ảnh, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của công ty tại Việt Nam và nước tiếp nhận. Cụ thể, đối với đơn vị trong nước, NLĐ có thể yêu cầu xem giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; hình ảnh hoạt động, trang web công ty đó. Đối với công ty tiếp nhận ở nước ngoài, NLĐ có thể yêu cầu tham khảo hình ảnh nơi làm việc hoặc trang web chính thức của công ty đó. Nếu thông báo tuyển dụng là giả mạo, các đối tượng sẽ rất khó cung cấp đầy đủ các thông tin này.

Đối với thông tin xuất hiện trong các bài quảng cáo trên mạng xã hội, NLĐ cũng cần kiểm tra tính chính xác của từng nội dung. Về mức lương, các thị trường XKLĐ phổ biến hiện nay như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc đều có mức lương đăng tuyển bị “thổi phồng” để tăng tính hấp dẫn hay không. Về chi phí tham gia, các công ty đều phải đảm bảo tuân theo quy định của Bộ LĐTB&XH. Vì thế, NLĐ có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo nếu được quảng cáo chi phí thấp, nhưng lại có nhiều hỗ trợ hấp dẫn.

Tội phạm mua bán người chỉ dùng mạng xã hội để lừa

Về tình hình tội phạm mua bán người và các hành vi liên quan đến việc dẫn dắt NLĐ ra nước bên ngoài, theo CATP hiện nay hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu thông qua thủ đoạn đưa NLĐ sang Campuchia để làm việc, nhưng thực chất là lừa bán các nạn nhân vào công ty do người nước ngoài làm chủ. Tại đây, nạn nhân bị bắt làm việc trên hệ thống máy tính thông qua các ứng dụng, app... có sẵn bản kịch để lừa đảo người Việt Nam chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu đăng tải lên các trang mạng xã hội với nội dung tuyển dụng làm việc đơn giản nhưng thu nhập cao đến vài nghìn USD tại Campuchia. Các đối tượng chỉ liên hệ với nạn nhân thông qua Zalo, Facebook, Telegram. Khi nạn nhân đồng ý thì chúng sẽ bố trí xe đến đón, di chuyển thay đổi chỗ ở và xe liên tục. Trong quá trình di chuyển các đối tượng sẽ thu giữ tiền bạc, ĐTDĐ, giấy tờ tùy thân của nạn nhân và xóa dấu vết những thông tin đã liên lạc trước đó trên ĐTDĐ của nạn nhân.

Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị (bên trái) nghe anh Nguyễn Anh Kiệt (SN 2001, quê Đồng Tháp), kể lại việc trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị (bên trái) nghe anh Nguyễn Anh Kiệt (SN 2001, quê Đồng Tháp), kể lại việc trở thành nạn nhân của bọn buôn người.

Khi đến cửa khẩu sẽ có nhóm đối tượng khác đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Sau đó, nạn nhân sẽ được một nhóm đối tượng khác ở Campuchia đưa đến những khu nhà cao tầng bị rào kín và có người canh gác do người nước ngoài làm chủ. Nạn nhân được hứa hẹn làm việc lương cao, thưởng cao, bị ép ký hợp đồng lao động bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh, có điều khoản thử việc hoặc trả lại tiền bồi thường nếu không tiếp tục làm việc. Lúc này, nạn nhân mới biết mình bị lừa bán, bị bắt làm việc và giam lỏng. Nếu nạn nhân không đồng ý làm hoặc làm việc không có hiệu quả, sẽ bị bán tiếp qua các công ty khác. Nạn nhân muốn quay lại Việt Nam thì các đối tượng sẽ cho liên hệ gia đình để đòi tiền chuộc. Nếu đồng ý, các đối tượng sẽ hướng dẫn sang Campuchia trực tiếp chuộc về hoặc sẽ cho số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền.

Cũng theo CATP Hồ Chí Minh, một số đối tượng từng là nạn nhân của việc bị lừa bán vào công ty do người nước ngoài làm chủ, nay quay trở lại hoặc thông qua mạng xã hội tiếp tục dụ dỗ lôi kéo người thân, người quen bằng việc hứa hẹn có công việc tốt, lương cao. Sau đó, nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia thì bị bán.

Trước tình hình trên, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tiến hành đấu tranh xử lý. Năm 2022, đã khám phá đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép và mua bán người qua Campuchia xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do đối tượng Hoàng Minh Đức (SN 1998, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và đồng bọn tổ chức, khởi tố xử lý 6 đối tượng.

 

Xử lưu động để răn đe

Theo CATP TP Hồ Chí Minh, thời gian tới tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người dưới hình thức môi giới lao động sang nước ngoài để người dân hiểu và đề phòng cảnh giác, bảo vệ mình và bảo vệ con em trong gia đình. Khi phát hiện các hành vi nghi vấn, số đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán người thì mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng. Đồng thời, tìm hiểu kỹ thông tin việc làm, nhất là lao động ở nước ngoài trước khi quyết định tham gia.

CATP cũng phối hợp với Viện KSND, TAND các cấp xét xử công khai, lưu động những vụ án điểm về mua bán người, mua bán trẻ em để nâng cao tính răn đe tội phạm. Qua đó tuyên truyền cho người dân biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để cảnh giác, không để tội phạm lợi dụng lôi kéo hoặc trở thành nạn nhân của chúng.