Làng Chuông hút khách du lịch

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinthedothi - Những ngày này, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) liên tục đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Cùng với duy trì nghề làm nón truyền thống, người dân nơi đây còn nhanh nhạy kết nối với dịch vụ du lịch để tăng thêm thu nhập.
 Nghệ nhân làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) giới thiệu sản phẩm nón tới khách du lịch.
Về với làng Chuông, điều khiến du khách thích thú nhất có lẽ là được trải nghiệm các công đoạn làm nón như: Vò lá, là lá, nối vòng, làm khung và khâu một chiếc nón hoàn thiện. Nếu vào đúng các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch hàng tháng, du khách còn được tham dự chợ phiên tấp nập, là địa chỉ giao dịch sản phẩm nón độc đáo của làng nghề. Là một trong những hộ tiên phong làm nón kết hợp du lịch ở Phương Trung, bà Tạ Thị Thu Hương chia sẻ: “Giá dịch vụ là 50.000 đồng/khách, bao gồm cả chi phí nguyên liệu cho du khách tự tay làm các công đoạn của một chiếc nón lá. Với cách làm này, chúng tôi vừa có cơ hội quảng bá nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi đón khoảng 10 - 15 đoàn khách, nếu may mắn còn “bắt” được mối hàng lớn".
Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Văn Toàn cho hay, nghề nón ở làng Chuông đã có hơn 300 năm nay. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nghề nón thịnh vượng, nhưng hiện nay chỉ còn 1/3 số hộ trong xã làm nghề và chỉ có số ít gia đình là những địa chỉ được nhiều du khách ghé thăm.
Hiện, toàn xã có khoảng 2.000 hộ có nghề làm nón, ước sản lượng mỗi năm đạt 3,5 - 4 triệu chiếc nón, mang lại khoảng 10% giá trị thu nhập cho người dân. So với ngành nghề khác, thu nhập của nghề nón không cao, song lợi ích mang lại rất lớn khi tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Ngoài phát triển kinh tế, những chiếc nón làng Chuông có mặt khắp cả nước và được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản... mang theo thông điệp bản sắc dân tộc, đưa làng nghề trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Toàn, việc khai thác nghề gắn với du lịch ở Phương Trung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế. Tuyến đường trục chính nối từ QL 21B vào xã rất nhỏ và xuống cấp khiến các loại phương tiện ra, vào khó khăn, thường xuyên bị tắc đường. Trong khi đó, lao động làm nghề chủ yếu là người già và trẻ nhỏ nên nghề này chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, người làng nghề không có ý định mở rộng sản xuất.
Để hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, vào thời điểm khách đến đông, chính quyền địa phương sẵn sàng bố trí cán bộ cùng gia đình đón khách. Dự kiến, Phương Trung sẽ mở các lớp tập huấn cho hộ dân cách thức làm du lịch làng nghề theo hướng chuyên nghiệp hơn. “Xã Phương Trung mong muốn nhận được sự quan tâm hơn của các cấp, ngành chức năng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, nhà trưng bày, nhà trình diễn nghề làm nón... nhằm khai thác lợi thế làng nghề gắn phát triển du lịch" - ông Toàn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần