[Lãng phí lớn từ hàng trăm dự án bất động sản bỏ hoang] Bài 4: Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm dự án đã được chính quyền TP Hà Nội bàn giao mặt bằng, nhưng hàng chục năm qua mới chỉ triển khai được một phần hạ tầng giao thông, thoát nước... rồi vẫn bị “đắp chiếu” bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.

 Đã đến lúc chính quyền TP Hà Nội phải mạnh tay đối với các dự án bỏ hoang, việc xử lý dự án bỏ hoang lâu năm sẽ giúp cho chính quyền tìm ra mắt xích của tham ô, tham nhũng trong quy hoạch (Ảnh: Doãn Thành).
“Đất vàng ngủ quên”
Ông Nguyễn Văn Chỉ, trú tại thôn Nam An, xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) cho biết, thôn Nam An có hơn 6ha đất nông nghiệp đã được GPMB, nhưng nhiều năm qua chủ đầu tư không triển khai dự án, đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
“Thấy khu đất lâu không có dự án được triển khai nên tôi đã ra quây lại một khu để trồng cây ngắn ngày, kết hợp chăn nuôi một ít gia cầm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” - ông Chỉ cho hay.
Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong số hơn 380 dự án nằm “đắp chiếu” trên địa bàn TP Hà Nội, có đến 2/3 dự án đã được GPMB nhưng trong tình trạng chậm triển khai, đất đai để bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ đầu tư “xí phần”, nhận đất nhưng lại chậm triển khai khiến cho quỹ đất bị bỏ hoang lên tới hàng chục nghìn ha.
Trong các dự án chậm triển khai, có không ít dự án đã bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, như: Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) rộng 35ha, chậm tới 14 năm; Dự án Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) rộng 10,6ha chậm tiến độ 11 năm; Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức (huyện Hoài Đức) rộng 23,4ha; Dự án Khu đô thị Mai Linh (huyện Hoài Đức) diện tích 139ha; Dự án tháp tài chính IFT (quận Cầu Giấy)...
Đáng quan ngại, các dự án bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích không chỉ xuất hiện ở các quận, huyện vùng ven, mà còn tồn tại nhan nhản ở các khu “đất vàng” thuộc các quận trung tâm, có thể kể đến như: Dự án xây dựng khách sạn trên khu đất 15 - 17 phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình) bị bỏ hoang hơn 10 năm; Dự án Trung tâm thương mại số 201 Trường Chinh (quận Đống Đa) bị biến tướng thành nhà hàng...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội đã thanh tra 98 cuộc theo kế hoạch và 88 cuộc đột xuất; đã kết luận 97 cuộc tập trung ở các lĩnh vực gồm quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, phòng chống tham nhũng... Cụ thể, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trị giá 29,15 tỷ đồng, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với 32 tập thể và 45 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 2 cuộc.
Đa phần các chủ đầu tư đều than rằng dự án của họ chậm triển khai là do vấn đề thay đổi quy hoạch chung của TP Hà Nội sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính, những vướng mắc về thủ tục cấp phép xây dựng sau khi điều chỉnh quy hoạch hay sự khống chế về chiều cao, thiết kế công trình...
Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng, vấn nạn đáng lo ngại nhất dẫn đến tình trạng dự án chậm bỏ hoang đó là việc các chủ đầu tư thực hiện dự án khi không đủ tiềm lực tài chính.
“Nhiều chủ đầu tư thực hiện dự án với số vốn “0 đồng”, khi được chính quyền chấp thuận dự án là chủ đầu tư có thể đi vay vốn ngân hàng và khi có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 là có thể bán đất, bán sản phẩm cho người dân theo hình thức góp vốn. Khi không huy động được vốn và thị trường rơi vào thời điểm đi xuống, dự án không mang lại hiệu quả thì dẫn đến việc chủ đầu tư dừng hoặc triển khai dự án một cách ỳ ạch” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Có nên thu hồi?
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo, rà soát 370 dự án vốn ngoài ngân sách mà HĐND TP đã kiến nghị, đang tiếp tục có kết luận cho từng dự án - đây là kết quả tích cực hơn rất nhiều so với những năm trước. UBND TP cũng đã rà soát, cho quyết định chấm dứt ngay 48 dự án có vi phạm, đến nay đã chấm dứt 33 dự án. Từ khi HĐND TP giám sát, TP đã thu hồi trên thực địa 20/38 dự án đã có quyết định.
Việc chính quyền TP Hà Nội mạnh tay xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai, bỏ hoang đất trong nhiều năm, dấy lên nhiều luông ý kiến trái chiều nhau, có ý kiến cho rằng DN chính là những người làm ra của cải và có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước; việc DN đang gặp khó khăn thì chính quyền cần phải đưa ra giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để DN có có hội được phát triển.
Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều đồng tình với cách làm của chính quyền TP Hà Nội trong việc này. Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc thu hồi các dự án bỏ hoang lâu năm, đặc biệt là các dự án tọa lạc ở các khu vực đất vàng của TP là cần thiết. “Việc chuyển mục đích sử dụng hoặc giao cho một đơn vị khác có đủ tiềm lực về tài chính để triển khai dự án sẽ tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, tăng thu cho ngân sách Nhà nước và giúp kiện toàn bộ mặt mỹ quan cho đô thị” - ông Đính cho hay.
Cùng quan điểm GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, việc thu hồi các dự án, đặc biệt là các dự án đã có đầu tư hạ tầng cơ bản rất khó khăn. Nhưng nếu cương quyết thu hồi trong lúc này mới phát hiện ra được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây. Việc thu hồi càng chậm thì dẫn đến việc Nhà nước càng lâu được thu ngân sách từ sử dụng đất tại dự án đó.
TP Hà Nội và các địa phương có dự án bỏ hoang chậm triển khai nên cân nhắc đưa chế tài về thuế đối với các dự án bỏ hoang, chậm triển khai, việc đánh thuế đất cao đối với các dự án bỏ hoang, chậm triển khai Nhà nước vẫn thu được ngân sách và cũng không phải tốn các nguồn lực đi giải quyết hậu quả của vấn đề này.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần