Lịch sử và phong tục đón năm mới của một số nước trên thế giới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào dịp Tết, các dân tộc trên thế giới lại chuẩn bị đón mừng Năm mới, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp từ năm này sang năm khác. Ở mỗi quốc gia, người dân lại có những cách chào mừng khác nhau để đón thời khắc quan trọng ấy.

Năm mới cũng là dịp mọi người gặp nhau sau một năm làm việc vất vả, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành.
Lịch sử phong tục đón Năm mới: 
Các nhà bác học thế giới khẳng định: Lễ đón mừng năm mới đã ra đời cách đây ít nhất là 25 thế kỉ. Vào cuối thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, phong tục này bắt đầu xuất hiện ở vùng Châu thổ sông Nin, Ai Cập - một trong những cái nôi đầu tiên của nền văn minh nhân loại. 
Thời ấy, sự kiện trọng đại đón mừng năm mới diễn ra 12 ngày liên tục gồm các hoạt động: Diễu hành, hóa trang, vũ hội để kỉ niệm chiến thắng của Thượng đế tối cao trước các thế lực bạo tàn và chết chóc. Trong những ngày vui ấy, người ta nghỉ tất cả mọi việc, kể cả việc xét xử và thi hành án. 
Các tài liệu bằng văn tự ghi trên gốm và đất sét còn lưu lại được cho đến ngày nay đã miêu tả không khí lễ hội hóa trang đó diễn ra một cách tự do, rất sôi nổi và cuồng nhiệt. Nhiều bức tranh miêu tả các trận chiến của Thượng đế tối cao chống lại những thế lực siêu nhân, hỗn mang thủa hồng hoang (rồng, rắn, thằn lằn).
Khoảng khắc Giao thừa tại Rio de Janeiro.
Các tín đồ Do Thái Giáo khi bị bắt làm tù binh ở Balilon đã bắt chước những cảnh trong Thánh kịch đón mừng năm mới này và dựng lại. Sau đó, lễ hội năm mới dần dần hình thành và được lan truyền qua Hy Lạp sang cả châu Âu và những nước khác. 
Đa số các dân tộc đón mừng năm mới vào thời điểm trùng với thời kỳ phục sinh của thiên nhiên, khi mùa Xuân về, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông dài lạnh giá và ảm đạm.
Các nước ở phương Đông đón năm mới âm lịch tính theo chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Mặt Trời. Tuy có sự khác nhau nhưng, ngày nay, nhiều nước trên thế giới đón mừng Năm mới Dương lịch vào ngày 1/1 hàng năm. 
Phong tục đón Năm mới:
Ba Lan: Dịp đón năm mới, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo nhau đến từng nhà hát vang bài hát Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn. Những người theo sau thì hóa trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ. Nhiều nơi còn giữ tục lệ: Các cô gái cầm cây gỗ gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro. 
Tại Anh: Vào ngày cuối cùng của một năm, người Anh thường tập trung về Quảng trường Trafalgar và Piccally Circus để nghe tiếng chuông đồng hồ Big Bang gióng lên báo hiệu thời điểm chuyển giao của 1 năm. Sau đó, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa hát vang bài Old Lang Shine, một bài hát cổ chào đón năm mới.
Đón năm mới tại thủ đô London, Anh.
Người Anh rất coi trọng người xông nhà đầu năm. Người xông nhà thường là một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, đẹp trai, có mái tóc đen càng tốt và mang theo một mẩu than, một miếng bánh mỳ. Đây là những hiện vật tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc. 
Bungari: Năm mới không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng năm mới, bị đập càng nhiều thì càng may mắn!
Trong bữa tiệc đầu tiên của ngày mùng một Tết, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, nhân bánh giấu đồng tiền và hoa hồng. Ai ăn phải phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn phải phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu. 
Đức: Đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối và mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm. Vào thời điểm Giao thừa, các nhà bắn đại bác khắp nơi để xua đuổi ma quỷ và đón chào năm mới. 
Hy Lạp: Lúc giao thừa, người ta tắt điện và mở vòi nước để nước và điện cùng khai trương một lúc với năm mới đang đến. Cũng đúng giờ giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân và đập vỡ quả lựu vào tường nhà, sao cho hạt lựu văng ra sân, với niềm tin gia đình sẽ sống hạnh phúc trong năm mới. 
 Bánh mỳ có tên Vassilopita của Hy Lạp.
Vào dịp năm mới, người Hy Lạp sẽ làm món bánh mỳ có tên Vassilopita. Đây là một loại bánh mỳ nướng rất to có hình tròn bên trong có nhét một đồng xe. Vào bữa tiệc năm mới, nếu ai may mắn ăn được miếng bánh có đồng xu có nghĩa là người đó sẽ được nhiều tiền bạc và tài lộc trong năm sau.
Nga: Đầu năm mới, người Nga có phong tục tặng bánh mỳ và muối cho khách quí. 
Pháp: Lúc giao thừa, người ta ôm hôn chúc mừng nhau dưới cây chùm gửi. 
Thụy Sĩ: Ngày Tết, người dân kết thành một hội trèo lên đỉnh núi tuyết, đứng trên cao, giữa khoảng không thi nhau hò hét để tiễn năm cũ và đón chào năm mới. 
Tây Ban Nha: Người Tây Ban Nha có truyền thống ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Họ thậm chí còn chuẩn bị lột vỏ lấy hạt ra trước để đảm bảo ăn đủ 12 quả trước trước tiếng chuông cuối cùng để đảm bảo may mắn.
Tục lệ này có từ những năm đầu của thế kỉ 20 và tương truyền đây là ý tưởng của những người trồng nho ở phía nam để có một vụ mùa bội thu. Bên cạnh đó 12 quả nho cũng biểu trưng cho 12 số trên mặt đồng hồ. Truyền thống này không chỉ được lưu truyền ở Tây Ban Nha mà còn lan rộng sang cộng đồng các nước nói tiếng Tây Ban Nha.
Mexico: Dịp Tết, bánh Tamales được người dân Mexico rất ưa chuộng, nó khá giống với cách làm bánh của Việt Nam khi cũng sử dụng một lớp lá bên ngoài để gói bánh sau đó mới đem luộc. Bánh Tamales được làm từ bột ngô, mỡ, thịt, cá và một số loại rau đặc trưng đem thái nhỏ trộn đều với nhau rồi sử dụng lá chuối hoặc lá ngô gói hỗn hợp này lại rồi đem luộc hoặc hấp chín.
Vào năm mới, bánh Tamales thường được dùng với súp Menudo truyền thống - bát súp độc đáo có khả năng chữa bệnh.
Khu vực Nam Mỹ: Một món ăn truyền thống chính ở Nam Mỹ -  Hoppin' John là một món ăn của đậu mắt đen (tượng trưng cho tiền xu) hoặc đậu đũa kết hợp cùng thịt lợn và cơm, thường ăn kèm cải búp hoặc bánh mì bắp (màu sắc của vàng). Các món ăn được cho là mang lại may mắn trong năm mới.
Hà Lan: Vào đêm giao thừa, người dân Hà Lan thường ăn bánh chiên Olie bollen hoặc bánh rán nhỏ rắc nho. Truyền thống ăn Olie bollen được cho là bắt nguồn từ các bộ tộc ở Đức nhằm tránh khỏi lưỡi dao của nữ thần Perchta.
Người Hà Lan tin rằng nếu thưởng thức món bánh này vào ngày đầu năm mới thì sẽ nhận được những điều tốt lành nhất. Bánh được làm từ bột mì và trứng cùng nhân là các loại quả như táo, dứa hoặc nho. Bánh được nặn hình tròn sau đó được chiên ngập trong chảo dầu và rắc thêm bột đường lên bánh rất hấp dẫn. 
Để kết thúc bữa ăn đêm giao thừa, người Hà Lan thường ăn kèm với chiacchiere - đôi cánh thiên thần, một loại bánh chiên bột được rán với mật ong, đường bột và rượu vang Prosecco.
Nhật Bản: Người Nhật Bản có phong tục ăn mỳ Soba vào ngày cuối cùng trong năm để tiễn năm cũ, đón một năm mới may mắn và sức khỏe. Truyền thống này bắt nguồn từ thế kỉ 17, còn sợi mỳ soba dài và dai còn biểu tượng cho sự trường thọ của con người, cho nên mỳ soba cũng được coi là biểu tượng cho sự may mắn.
 Người Nhật Bản có phong tục ăn mỳ Soba vào ngày cuối cùng trong năm.
Ngoài ra còn một loại bánh khác nữa thường được ăn trong ngày Tết là Mochitsuki. Theo phương pháp truyền thống, loại bánh gạo ngọt này được ngâm qua đêm và sau đó hấp trên lửa trong một chiếc hộp bằng gỗ rồi nghiền thành bột nhão mịn trong một chiếc bát bằng đá “usu”.
Italia: Món hầm truyền thống Cotechino con Lenticchie là sự kết hợp giữa thịt lợn và đậu lăng. Đây được xem là 2 biểu tượng ẩm thực may mắn của người Italia.
Món hầm truyền thống Cotechino con Lenticchie của người Italia.
Người dân nước này cho biết con lợn lúc ăn luôn dũi mõm về phía trước, tượng trưng cho sự tiến bộ. Đối với đậu lăng, chúng có hình dạng như đồng xu nhỏ, tượng trưng cho may mắn.