Tuyến cáp quang biển liên tục đứt: Ứng xử sao với người dùng?

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đều đưa ra cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng song những sự cố đứt cáp liên tiếp xảy ra thời gian gần đây vẫn khiến người dùng trong nước không khỏi bức xúc và lo lắng.

Cam kết từ ISP

Chiều tối 18/2, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia American Gateway (AAG) kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ lại gặp sự cố đứt cáp tại vị trí cáp nhánh cập bờ khu vực Hong Kong, làm ảnh hưởng đến toàn bộ lưu lượng của tuyến cáp AAG từ Việt Nam đi Hong Kong.
 Hình minh họa. Nguồn Internet
Ngay lập tức, các ISP lớn như Viettel, VNPT… đã lên tiếng cam kết đảm bảo lưu lượng internet. Đại diện Viettel cho biết, các khách hàng của nhà mạng sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này do trước Tết Âm lịch Viettel đã bổ sung và nâng cấp dung lượng kết nối quốc tế trên tuyến APG nhánh đi Hong Kong, Nhật Bản và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Đồng thời, Viettel cũng đã triển khai giải pháp đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho các server máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để giúp khách hàng vẫn truy cập dịch vụ mà không phải kết nối qua hướng quốc tế. Ngoài ra, tuyến cáp biển Liên Á (IA) cũng đang được khắc phục sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào ngày 25/2/2017 sẽ tăng cường dung lượng dự phòng kết nối quốc tế cho Viettel để đảm bảo chất lượng dịch vụ tới khách hàng.

Còn theo đại diện VNPT, ngay sau khi cáp AAG xảy ra sự cố, VNPT đã mở ưu tiên định tuyến dịch vụ trên 3 tuyến cáp đang hoạt động CSC, SMW-3, APG. Cụ thể, VNPT đã định tuyến lưu lượng Internet quốc tế khu vực Miền Nam từ Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng để lưu thoát trên tuyến cáp APG và SMW3, đồng thời một phần lưu lượng được định tuyến ra Hà Nội để lưu thoát qua hướng cáp đất liền CSC... Bên cạnh đó để đảm bảo các dịch vụ cung cấp nội dung và mạng xã hội phổ biến đối với khách hàng như: Google, Facebook, Youtube… VNPT đã thực hiện mở rộng các hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn.

Công bằng với khách hàng

Tuy nhiên, từ góc độ người dùng, những cam kết của nhà mạng vẫn chưa đủ để họ hoàn toàn yên tâm. Bạn Phạm Mai Anh, giáo viên của Trung tâm Anh ngữ Topica Native cho biết, khi xảy ra sự cố đứt cáp AAG, có khoảng 5% số lượng học viên tham gia lớp học tiếng Anh trực tuyến của Topica gặp phải một số sự cố ngoài ý muốn như: Kết nối đường truyền chập chờn, không thể tham gia vào lớp học, không thể bật webcam, âm thanh trong lớp không nghe rõ… gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các học viên. Tương tự, các cuộc họp trực tuyến của một số đơn vị DN cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố đứt cáp.

Ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cũng cho rằng, tuyến cáp AAG vốn cung cấp hơn 1/2 dung lượng internet Việt Nam, do đó khi tuyến này bị sự cố chắc chắn internet Việt Nam ít nhiều có bị ảnh hưởng. Về thời hạn khôi phục tuyến cáp, hiện chưa nhà cung cấp nào có thông tin cụ thể mà chỉ đưa ra lời hứa “sẽ thông báo ngay khi có thông tin về thời gian sửa chữa”. Lý do là sự cố xảy ra trên tuyến cáp dưới đáy biển nên thời gian khắc phục không thể nhanh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Và thông thường để khắc phục sự cố, khôi phục 100% lưu lượng Internet quốc tế trên tuyến cáp cần từ 2 - 3 tuần.

Vẫn biết để đánh giá các ISP có đảm bảo đúng quyền lợi của người dùng hay không phải căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng và sự cố đứt cáp quang là ngoài mong muốn của các bên, nhưng khi các sự cố xảy ra liên tiếp và thời gian khôi phục kéo dài thì nhiều ý kiến cho rằng các ISP cần có tính toán bù đắp thiệt hại cho những khách hàng chịu ảnh hưởng. Đó mới là cách ứng xử công bằng với khách hàng.