Loại rào cản để cải thiện môi trường kinh doanh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là những chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, DN, doanh nhân tại buổi toạ đàm "Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh" do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE tổ chức sáng 11/10 nhằm đưa ra những vướng mắc đang tồn tại và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI: trong nhiều năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, nhưng đang có xu hướng chậm dần. Không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế khác đều đang đặt ra câu hỏi nguồn lực nào để phát triển. Trong đó, nổi lên là sự cạnh tranh giữa các khu vực và quốc gia, giữa các DN và các sản phẩm.
 Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Chính phủ Việt Nam đang nêu rõ, DN là trọng tâm của sự thay đổi kinh tế đất nước và VCCI đang là đơn vị được giao trách nhiệm đầu tàu thực hiện Nghị quyết 35. "Với mục tiêu 1 triệu DN có chất lượng, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cơ quan pháp lý xây dựng hệ thống luật cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Luật này nếu được thông qua sẽ gỡ nhiều khó khăn cho DN. VCCI cũng đã có chương trình tập hợp những kiến nghị, khó khăn của DN tới các cơ quan chức năng, nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể cho họ” - ông Đoàn Duy Khương thông tin. Đồng thời, ông Khương cho biết, VCCI đã ký kết với 63 tỉnh thành với nội dung hợp tác giữa các chính quyền địa phương và DN nhằm tạo thông tin hai chiều. Cụ thể là làm thế nào DN hiểu rõ chính sách của địa phương, Chính phủ và ngược lại, làm sao đưa thông tin phản hồi từ DN đến được với cơ quan chức năng để giải quyết nhanh chóng và đúng lúc, đúng chỗ. Cùng với đó, VCCI cũng tổ chức tư vấn, đào tạo để doanh nghiệp có thể học tập, gặp gỡ, xúc tiến hợp tác kinh doanh. Đây chính là một trong những vấn đề Thủ tướng đã giao trong Nghị quyết 35.

Còn nhiều băn khoăn

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, những cải cách cho các DN đã giúp nền kinh tế Việt Nam đang có những bước ngoặt, đạt được thành tựu nhiều nhưng thách thức cũng nhiều hơn. Bởi, trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy Nhà nước với DN không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn. Cùng với đó, việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. “Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ với kết quả bước đầu tốt nhất là sự ra đời và thành lập của các doanh nghiệp mới. Số DN được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay” –ông Thành nói. Tuy nhiên, ông Thành thẳng thắn, các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh. Ông Thành cho rằng: "không quan trọng các DN tự sản xuất hay thuê ngoài, miễn là họ đáp ứng được các tiêu chuẩn là được. Tuy nhiên, muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các DN lại phải qua nhiều thủ tục hành chính." 

Đưa ra quan điểm của mình, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh. Nhưng hiện có hai rào cản pháp lý, đó là rào cản tổng thể và rào cản cụ thể (các điều kiện kinh doanh). Chẳng hạn, Bộ Công Thương là bộ khuyến khích cạnh tranh, song các quy định của Bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, về đất… không cho phép DN nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các DN lớn. Hay, vấn đề kiểm soát xuất nhập khẩu ô tô thay bằng Thông tư 20 lại được chuyển sang cục đăng kiểm để kiểm soát về chất lượng, nhưng theo phản ánh của DN ô tô thì không có sự thay đổi nào cả, có nguy cơ Thông tư 20 chuyển thành Thông tư 21 và Thông tư 21 thì chẳng “dễ thở” hơn Thông tư 20.

Trong khi đó, góp ý về môi trường kinh doanh liên quan đến vấn đề về nông nghiệp, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH True Milk chia sẻ, Luật thực sự rất quan trọng với DN, làm sao để DN không được đi sai với đường ray đó. Bởi, mọi luật đều xuất phát từ thực tiễn nhưng thực tế hiện nay, luật lại không xuất phát từ thực tiễn mà lại sách vở. Hiện, Chính phủ đã có chính sách về ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp nhưng chưa đưa ra một chiến lược cụ thể về phát triển nông nghiệp. Khi đã xây dựng chiến lược rồi, cần xây dựng chính sách cụ thể về đất đai, công nghệ và tiêu chí sản phẩm. Đơn cử như quá trình xây dựng luật như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật công nghệ cao nhưng họ không hề hỏi ý kiến doanh nghiệp. Khi đã ban hành luật thì “đè” người ta ra thu thuế. Do đó, khi làm luật cần phải bám sát thực tiễn.