70 năm giải phóng Thủ đô

Loạn giá vàng, thận trọng với tâm lý đám đông

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, giá vàng nhiều phiên liên tiếp leo đỉnh và lập kỷ lục mới về giá. Tuy nhiên, đến 2 phiên cuối tuần, giá vàng lại liên tục lao dốc khiến nhà đầu tư xoay xở không kịp dẫn đến thua lỗ.

Đột ngột rơi từ đỉnh, giảm 2,2 triệu/lượng

Chốt phiên giao dịch tuần qua, chiều 13/4, giá vàng miếng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 80,6 - 83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán). Cùng thời điểm, giá vàng miếng cũng được SJC niêm yết ở mức 80,6 - 83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán). Nếu so với mức đỉnh cao nhất lịch sử 85 triệu đồng/lượng lập được vào sáng 12/4 thì mỗi lượng vàng giảm 1,9 -2,2 triệu đồng.

Người dân xếp hàng mua bán vàng tại Bảo Tín Minh Châu
Người dân xếp hàng mua bán vàng tại Bảo Tín Minh Châu

Giá vàng nhẫn 9999 sáng cuối tuần cũng giảm sâu. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ ở mức 74,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,05 triệu đồng chiều mua và giảm 950.000 đồng chiều bán so với ngày trước đó.

Giá bán vàng nhẫn 9999 niêm yết tại Công ty Bảo Tín Minh Châu giảm về mức 76,18 triệu đồng/lượng; mua vào 74,18 triệu đồng/lượng. Giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua lẫn chiều bán.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm từ đỉnh vì lực chốt lời của nhà đầu tư. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng chốt phiên cuối tuần ở mức 2.344,2 USD/ounce, giảm khoảng 50 USD so với chiều qua. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương 71,1 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng SJC khoảng 12,1 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng nhẫn 9999 khoảng 5-5,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm mạnh sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố tăng cung vàng miếng của NHNN.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo kết luận về các giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN sẽ triển khai ngay các giải pháp gồm:

Với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Với hoạt động thanh tra, NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Tuyên bố trên của NHNN được phát đi sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 160/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, thị trường đã phản ứng tích cực vì trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ, cuối ngày 12/4 có lúc chạm mức đỉnh mọi thời đại là 2.400 USD/ounce. “Nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN thì giá vàng miếng SJC có thể chạm mốc 86 triệu đồng/lượng"- ông Phương nói.

Đổ xô mua bán, lỗ nặng vì tâm lý đám đông

Theo các chuyên gia, sau nhiều ngày tăng nóng, tâm lý của người nắm giữ vàng lung lay. Cộng thêm yếu tố nguồn cung vàng được hứa hẹn sẽ tăng khiến cho thị trường vàng xì hơi.

Giá vàng biến động liên tục nhà đầu tư không kịp trở tay.
Giá vàng biến động liên tục nhà đầu tư không kịp trở tay.

Trước đó, khi thấy giá vàng tăng mức kỷ lục gần 85 triệu đồng/lượng, người dân nườm nượp xếp hàng mua vàng. Trên phố vàng Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, lượng khách giao dịch trở nên đông đúc nhiều ngày qua. Dòng người xếp hàng từ ngoài cửa, tràn xuống cả vỉa hè dãy nhà bên cạnh.

Các thương hiệu kinh doanh vàng lớn đều cho biết giao dịch vàng miếng, đặc biệt là nhẫn trơn tăng mạnh. Theo đại diện Công ty SJC, hôm 12/4 lượng mua vàng nhẫn vẫn cao. Do đó, công ty giới hạn số lượng mua mỗi người ở mức 5 chỉ vàng nhẫn. Tuy nhiên, có trường hợp cả gia đình hoặc nhiều nhân viên của một doanh nghiệp cùng xếp hàng mua vàng.

"Theo dõi tình hình thị trường vàng nóng sốt những ngày qua, chúng tôi xuống tiền mua vàng tích lũy"- chị Minh Hoà ở Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng nói.

Theo chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn nói riêng và giá vàng nói chung tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây đầu tiên là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử.

Ngoài ra, dù rằng vàng nhẫn không thuộc hàng độc quyền, trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu khác nhau nhưng giá vẫn ngày càng đắt đỏ là do giá nguyên liệu tăng lên. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ nhu cầu do các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng.

“Với xu hướng giá vàng tăng, có thể xảy ra tình trạng các công ty kinh doanh vàng bạc không muốn bán vàng ra thị trường mà sẽ có hiện tượng găm giữ nên càng tạo sự khan hiếm hơn”- TS Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, chính tâm lý đám đông khi nhiều người tham gia vào thị trường thì càng đẩy giá vàng SJC cùng vàng nhẫn lên mức rất cao.

Tuy nhiên, sau khi giảm mạnh vào 2 phiên cuối tuần, nhiều nhà đầu tư lại vội vã xếp hàng đi bán. Nhà đầu tư vẫn lỗ nặng sau một tuần đầu tư do giá vàng bất ngờ giảm mạnh từ đỉnh 85 triệu đồng, cộng với chênh lệch mua - bán vàng quá cao 2,5 triệu đồng/lượng cũng khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng lên tới gần 5 triệu/lượng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho biết, ở Việt Nam, tập quán thích mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn của người dân có từ lâu. "Chỉ mua vàng như một tài sản cất giữ, đảm bảo giá trị chứ không đầu cơ, kiếm lời ngắn hạn. Đồng thời, nhà đầu tư cần tránh tâm lý đám đông, không nên thấy vàng lên là đổ xô đi mua, "đu đỉnh"- nếu không muốn mất tiền. Đầu tư vàng cần có kiến thức"-  ông Hùng nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng thị trường vàng có thể biến động mạnh trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên hết sức chú ý trong quá trình đầu tư vàng.

 

Tâm lý thị trường hiện nay là chờ đợi hành động từ NHNN. Trong lúc chờ đợi này, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng, sẽ tăng chậm trở lại khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới co hẹp lại. (Chuyên gia Trần Duy Phương)