Lợi ích kép từ hồ sơ sức khỏe điện tử

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành y tế Thủ đô đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý Nhà nước, giảm quá tải, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh.

Để tiếp tục bứt phá trên hành trình chuyển đổi số, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Người bệnh và bệnh viện đều hưởng lợi

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Trần Dũng
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Trần Dũng

Chuyển đổi số, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ Nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu được ngành y tế Thủ đô triển khai trong thời gian qua. Kết quả quá trình triển khai đã góp phần tạo nên diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại, hiệu quả giúp Hà Nội trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số y tế quốc gia.

Là bệnh viện thứ 4 của ngành y tế Thủ đô chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa) khám cho gần 1.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình Nguyễn Khuyến cho biết, việc áp dụng bệnh án điện tử vào hoạt động khám chữa bệnh rất hữu ích cho cả bác sĩ và người bệnh.

Để triển khai bệnh án điện tử, từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm quản lý HIS. Từ tháng 2/2023, bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS-LIS (phần mềm cận lâm sàng), áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, thẻ khách hàng, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh bằng phần mềm PACS. Đến tháng 7/2023, bệnh viện đã cơ bản hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xem việc triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy là giải pháp chiến lược góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Ngô Quang Hùng cho biết, bệnh án điện tử được bệnh viện bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2021. Trong bối cảnh ngành y tế vẫn đang căng mình chống dịch Covid-19, bệnh viện đã nỗ lực không ngừng triển khai hạ tầng, đào tạo nhân lực, hướng dẫn người bệnh… thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới đồng nhất bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở y tế.

Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế. Từ lần thứ hai trở đi bệnh nhân đến khám không phải mang theo giấy tờ để chứng minh thông tin, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, người dân sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện đã hoạt động rất hiệu quả, giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Ðồng thời hỗ trợ bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh quản lý viện phí hiệu quả. Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện y lệnh cho khối điều dưỡng, bệnh viện đã triển khai app điều dưỡng trên các phương tiện smartphone, giúp điều dưỡng dễ dàng tìm kiếm thông tin bệnh nhân, lịch sử điều trị qua Face ID, thao tác các phiếu điều dưỡng, tích hợp bệnh án điện tử của bệnh nhân ngay trên điện thoại thông minh.

Đẩy nhanh lộ trình y tế thông minh

Thời gian qua, các cơ sở y tế tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. 100% bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin HIS; 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện… Đặc biệt, các bệnh viện cũng thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa.

Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay tế cho thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám qua Face ID, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với những thành công ban đầu mà số hóa hồ sơ bệnh án điện tử mang lại, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Mỹ Đức, Xanh Pôn, Đức Giang, Phụ sản Hà Nội… đã phần nào giảm tải áp lực cho nhân viên y tế và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đây là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế cũng như BHYT.

Trước yêu cầu của tình hình mới, tại Kế hoạch số 269/KH-UBND, Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn TP sẽ được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP. 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn TP được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số. Đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, DN và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, kết hợp với thăm khám hiện tại để chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh của mỗi người dân.

Có thể thấy, hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại những lợi ích thiết thực. Những lợi ích này là động lực, mục tiêu để ngành y tế Thủ đô tiếp tục nỗ lực, nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình y tế thông minh, phấn đấu đến năm 2025, có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe điện tử, cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi cả nước. Để đạt mục tiêu trên, các cơ sở y tế cần liên tục đánh giá và đầu tư công nghệ thông tin với tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, phân kỳ đầu tư để cải thiện chỉ số hoạt động và kiểm soát chi phí.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam cho biết: "Trước mắt nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được thực hiện thí điểm ở Hà Nội. Sau đó sẽ có kết quả đánh giá và triển khai nhân rộng ra toàn quốc. Để triển khai thành công, cần có sự tham gia vào cuộc của Bộ Công an và cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam".

 

Trong năm 2023, ngành y tế huyện Mê Linh dự kiến tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 92.235 người (khoảng 40% dân số). Đối tượng được khám sức khỏe miễn phí thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người từ 60 tuổi trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi... Người dân được hướng dẫn cài app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả khám và theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân. Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo người dân trọn đời.

Khi nền tảng sức khỏe điện tử được triển khai, người dân khi đi khám điều trị bệnh sẽ không phải mang quyển sổ khám bệnh bằng giấy. Đến cơ sở y tế, bệnh nhân chỉ cần trình căn cước công dân là bác sĩ đã có thể biết được tiền sử bệnh tật, những loại thuốc đã và đang dùng. Cơ sở dữ liệu này được liên thông từ trạm y tế tuyến xã phường lên đến T.Ư. Quá trình đi khám chữa bệnh của một người từ lúc sinh ra đến khi qua đời đều được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe điện tử.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia (Bộ Y tế)
Nguyễn Trường Nam