Luật quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi): Chưa giải quyết “gốc rễ” quản lý tài sản công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn khi nhiều vấn đề liên quan như quỹ tài chính, quỹ ngoại tệ, khoán xe công… chưa được luật hóa và thiếu cơ chế cụ thể để giám sát.
Cần đưa biển số xe, số điện thoại đẹp vào tài sản công
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Dự Luật loại bỏ tiền và quỹ tài chính Nhà nước, quỹ ngoại tệ ra khỏi phạm phi điều chỉnh là không thỏa đáng. Theo ĐB Vân, tiền là công cụ định giá, phương tiện thanh toán, công cụ thống kê tài sản quốc gia. Nếu đặt câu hỏi tổng tài sản quốc gia là bao nhiêu tiền thì Bộ Tài chính cũng không trả lời được, vì chưa đưa vào luật, cho nên cần được luật hóa cùng với những sản phẩm mới tạo ra từ sản phẩm trí tuệ và khoa học công nghệ, giấy tờ có giá như tín phiếu, ngân phiếu và cổ phiếu của Nhà nước trong DN Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Phải đi từ vấn đề “gốc rễ” là thời gian qua sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tham nhũng là do không minh bạch. Cho nên nguyên tắc quản lý phải độc lập, minh bạch, hiệu quả. Nhận định việc sử dụng tài sản công còn lãng phí, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) kiến nghị: Cần đưa biển số xe đẹp và số điện thoại đẹp là tài sản công. Theo ĐB Cảnh, ước tính việc đấu giá số xe, số điện thoại trong vài năm tới có thể lên tới vài triệu tỷ đồng, và có thể vài trăm triệu tỷ đồng trong tương lai. “Năm 2009, Chính phủ đã có công văn hướng dẫn bán đấu giá biển số xe nhưng vì chưa có luật nên không thực hiện được. Đơn cử năm 2008 tỉnh Nghệ An đã bán đấu giá biển số xe ô tô đẹp được 700 triệu đồng, xây được hàng chục căn nhà cho người nghèo. Chúng ta có 1,8 triệu xe ô tô, nếu thu 25 triệu đồng/1 biển thì có thể thu được 45.000 tỷ đồng trong năm 2020. Xe máy còn có thể thu cao hơn xe ô tô” - ĐB Cảnh dẫn chứng. Đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa nội dung này trong luật để thực hiện và số tiền thu được từ đấu giá có thể để lại cho địa phương sử dụng.
Xác định rõ trách nhiệm
Theo nhiều ý kiến ĐB, để quản lý chặt chẽ, sử dụng tài sản công hiệu quả thì việc tối ưu nhất chính là quy rõ trách nhiệm. Luật hóa việc cho thuê, liên kết sẽ tránh được việc cho “thuê chui”. Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ): Tài sản công Việt Nam bằng 6 lần GDP, nếu khai thác tốt, đây sẽ là yếu tố quan trọng để góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên để quản lý cần đưa ra nhiều cách phân loại đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo chủ thể và xác định trách nhiệm. Tài sản nhà nước được đem kinh doanh phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, vì bản chất là tài sản của Nhà nước giao cho kinh doanh, hiệu quả sử dụng phải góp phần tăng thu, cơ cấu lại ngân sách để tạo nguồn lực cơ cấu lại nền kinh tế.
Đề cập đến vấn đề xe công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng: Đây là vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm. Tuy nhiên, hiện mới dừng ở mức nêu vấn đề, còn cơ chế khoán xe chưa nêu một cách thấu đáo là tự nguyện hay bắt buộc. Đồng thời cũng chưa xác định đối tượng là các chức danh nào, mức khoán ra sao, vì hiện tại thí điểm ở các cơ quan có sự khác nhau. Bộ Tài chính thì khoán theo ki lô mét còn cơ quan dân cử thì khoán theo hàng tháng, rồi thẩm quyền khoán ra sao.
Để việc quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả, theo ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), giám sát của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quy định về giám sát trong Dự Luật quá sơ sài, không có cơ chế cụ thể, khả thi. Cần phải lưu ý vấn đề này và tạo được niềm tin của cộng đồng với tài sản công.
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Các ĐB đề xuất, cần xây dựng một cơ chế trợ giúp pháp lý làm sao đảm bảo đáp ứng cho gần dân. Ví dụ, trợ giúp pháp lý lưu động hay trợ giúp pháp lý thông qua điện thoại, trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin.