Luật sư nói gì về vụ thanh niên dương tính Covid-19, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc L.T. Trí (SN 1988, ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Sau khi được mẹ ruột trình báo, cơ quan chức năng xét nghiệm kết quả dương tính với Covid-19, khiến hơn 20 người F1, đã gây bức xức dư luận.

Trong sự việc này, L.T. Trí đã có những vi phạm quy định pháp luật như thế nào? Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Hiệp Định (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định: Hiện tại, chưa có thông tin là Trí trước đây đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” hay chưa. Nếu đây là lần đầu vi phạm, thì sẽ bị xử phạt VPHC với số tiền từ 3-5 triệu đồng theo điểm a khoản 3 điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về “Xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình”.
 Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Hiệp Định.
Cũng theo luật sư Hiệp, trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi, vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” với mức án tù có thể lên đến 3 năm theo điều 347 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Hiện tại, Trí đã được kết luận dương tính với Covid-19, nhưng những trường hợp tiếp xúc với Trí thì chưa xác định là dương tính với Covid-19, nên chưa đặt ra việc khởi tố hình sự.
Theo quy định hiện tại, người nhập cảnh phải thực hiện cách ly bắt buộc để phòng, chống Covid-19. Nhưng Trí đã không chấp hành, có nghĩa đã có hành vi vi phạm pháp luật. “Trường hợp những người tiếp xúc với Trí có kết luận dương tính với Covid-19, lúc đó đã đủ yếu tố cấu thành tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, được quy định tại điều 240 BLHS 2015. Tùy từng trường hợp mức án có thể từ 1-12 năm tù”, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, khẳng định.
Còn luật sư Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết tại khoản 3 điều 5 Luật “Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài Việt Nam”, nghiêm cấm hành vi: “Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Và tại điều 20 của Luật nêu trên được sửa đổi, bổ sung năm 2019, quy định điều kiện nhập cảnh: “1/ Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng; b) Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại điều 21 của Luật này. 2/ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 điều này và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định”.
 Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát.
Tại điều 21, quy định các trường hợp chưa cho nhập cảnh: “1/ Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 điều 20 của Luật này. 2/ Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng. 3/ Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú. 4/ Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. 5/ Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 3 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực. 6/ Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 6 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực. 7/ Vì lý do phòng, chống dịch bệnh. 8/ Vì lý do thiên tai. 9/ Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì đối tượng Trí đã nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không thực hiện các thủ tục nhập cảnh theo quy định của Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, theo luật sư Nguyễn Đình Thuận, trước đó, tại thông báo 118/TB-VPCP ngày 21/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, quy định: “Tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020. Riêng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (Khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; Chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thực hiện cấp thị thực (nếu cần) và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và được cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo đúng quy định...; Tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020...; Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh cả đường biển, đường thủy, đường bộ và đường hàng không”.