Lý giải nghịch lý: Giá vé tăng cao, doanh nghiệp hàng không vẫn kêu lỗ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù giá vé máy bay liên tục tăng và neo ở mức cao nhưng doanh nghiệp hàng không vẫn liên tục kêu thua lỗ. Vấn đề này đang là nghịch lý, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Giá vé quá cao so với thu nhập trung bình

Mặc dù giá vé máy bay thời điểm này đã hạ nhiệt hơn trước Tết Giáp Thìn 2024,  nhưng so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là mức thu nhập của người dân Việt Nam thì vẫn quá cao. Điều đáng nói, trong khi giá vé máy bay tăng cao, nhưng các doanh nghiệp hàng không vẫn liên tục kêu lỗ.

Theo khảo sát thực tế, ngày trung tuần tháng 3, giá vé máy bay hạng phổ thông chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh từ 3-3,5 triệu đồng/vé; giá vé khứ hồi của VietnamAirline chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hạng phổ thông 5 triệu đồng/cặp, đối với hạng thương gia có mức giá từ 10-12 triệu đồng/cặp. Vé khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh của Vietjet Air giá 3,3 triệu đồng/cặp, của Bamboo Airway giá 3,4 triệu đồng/cặp. Cùng đó, nếu đổi ngày, giờ bay, hành khách phải bỏ thêm từ 1-1,5 triệu đồng…

Các đại lý bán vé máy bay cho biết, mức giá trên cao hơn từ 40-70% so với cùng kỳ năm 2023. Có những ngày, giá vé tăng 100% so với cùng kỳ những năm trước, đã tác động tới nhu cầu đi lại của người dân.

Giá vé máy bay đang cao so với thu nhập của người Việt Nam.
Giá vé máy bay đang cao so với thu nhập của người Việt Nam.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) đánh giá, giá vé máy bay ở Việt Nam hiện nay đang quá cao so với mức thu nhập của người dân. Nếu theo cách tính GDP bình quân đầu người của mỗi nước (số liệu World Bank 2022), Việt Nam là 4.163 USD, Thái Lan là 6.910 USD, Mỹ là 76.330 USD, Australia là 65.100 USD. Vậy với cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Câu chuyện giá vé máy bay quá cao cũng đang làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, sáng 18/3, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao? Giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới?

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trên thực tế, giá vé máy bay tăng nhưng các công ty vẫn lỗ. Chẳng hạn, Vietnam Airlines lỗ đến 37.000 tỉ đồng, năm nào lãi nhất cũng chỉ được 3.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Bamboo đã cắt giảm nhiều đường bay, còn Vietjet cũng đang gặp khó khăn. Giá vé máy bay đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay áp dụng đúng quy định về giá máy bay. Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, có 15 mức. Các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.

Tính toán giảm tối đa chi phí

Nói về nghịch lý giá vé máy bay cao nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra, một số quốc gia đã bỏ giá trần của máy bay, để cho doanh nghiệp tự quyết định theo cung, cầu của thị trường về giá. Tuy nhiên, Luật Giá vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay và khung trần đó là do Bộ Giao thông quy định. Hiện nay, các hãng bay thực hiện theo đúng quy định trong giá trần, cho nên chưa vi phạm pháp luật về giá.

 

Giá vé máy bay tăng cao thời gian vừa qua có thể không phải do vấn đề nhiên liệu hay cung cầu, vấn đề là phải xác định được đầu vào, đầu ra, các chi phí cấu thành giá. Đối với giá máy bay, đặc biệt với Việt Nam Airlines, tôi cho rằng chi phí quá cao đã gây ảnh hưởng đến giá, mà không phải liên quan đến vấn đề cung cầu và nhiên liệu" - đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong 4 năm lại đây, do đại dịch Covid-19, các chuyến bay gần như ngưng trệ, kể cả chuyến bay nước ngoài, trong nước. Đến năm nay, kinh tế suy giảm nên lượng khách nội địa và khách nước ngoài cũng hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hệ thống hàng không.

Để kéo giảm giá thành vé máy bay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm. Với Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.

Nói về nguyên nhân khiến giá vé máy bay ở Việt Nam tăng cao, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra, bản chất vấn đề ở đây là các hãng hàng không đều phải dùng USD để chi tiêu cho các chi phí hoạt động hàng không từ thuê máy bay, sân đỗ, cất hạ cánh, điều hành bay... để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế quy định. Vì hàng không liên quan tới an toàn bay, phải đảm bảo độ chính xác 100%. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng, nên giá vé máy bay cao.

Còn về nghịch lý giá vé máy bay tăng cao nhưng các hãng hàng không vẫn báo lỗ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đó là do lượng hành khách của các đường bay không ổn định, lưu lượng người đi máy bay từng thời điểm cũng không ổn định. Trong khi đó, hãng hàng không đi thuê máy bay, đều phải thuê tới vài năm nhưng chỉ có vài thời điểm đông khách. Ngoài ra, việc mở đường bay cũng đòi hỏi các quy định khắt khe, với các đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1 – 2 chuyến/tuần khiến chi phí phát sinh tăng cao.

“Hoạt động hàng không có nhiều vấn đề cần tính toán khoa học để giảm thiểu tối đa chi phí. Cụ thể, cần tính toán kết nối với các công ty du lịch, địa phương, hãng vận tải chuyển tiếp để có mạng lưới phục vụ hành khách, tăng hiệu quả hoạt động. về phía Nhà nước, mặc dù ngành hàng không đã có bước phục hồi nhưng cơ quan Nhà nước có thể tính toán hỗ trợ để doanh nghiệp hàng không vực dậy, có thu nhập thỏa đáng” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra giải pháp.