Mạnh tay xử lý “ma men”: Bền bỉ để tạo hiệu quả lâu dài

Bài, ảnh: Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tài xế điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn khiến người dân yên tâm hơn khi di chuyển trên đường.

Những ngày gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã giảm. Vì vậy, để duy trì hiệu quả lâu dài cần có sự bền bỉ trong tuyên truyền và xử phạt.

Xử lý nghiêm, không có ngoại lệ

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng đã gây được nhiều ấn tượng với người dân trong công tác kiểm tra, xử phạt đối với tài xế vi phạm về nồng độ cồn. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc xử lý mạnh tay với "ma men" khi tham gia giao thông mà lực lượng chức năng đang thực hiện bước đầu đã tạo tác dụng răn đe vi phạm, được dư luận đánh giá cao.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn.

Sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông đã làm cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhanh chóng được “phủ sóng” đến người dân.

Để tiếp tục xây dựng văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”, mới đây, Cục CSGT - Bộ Công an tiếp tục ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT tại 30 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Theo đó, từ ngày 15/2 - 15/3, Cục CSGT phối hợp với Phòng CSGT của 30 tỉnh, TP tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát, nâng cao hiệu quả xử lý các chuyên đề theo kế hoạch.

Đồng thời tiếp nhận trường hợp vi phạm do các tổ công tác bàn giao để xử lý theo quy định. Những vi phạm được quyết liệt xử lý gồm: Vi phạm về nồng độ cồn, xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, xe quá niên hạn, hết hạn đăng kiểm, ô tô khách chở quá số người quy định và trường hợp lái xe sử dụng giấy phép lái xe giả.

Những tổ này cũng kiểm tra các địa phương về công tác bố trí lực lượng thường trực để đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến, địa bàn và việc sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm giao thông. Việc trực tiếp kiểm tra xử lý hành vi được thực hiện tại khu vực có nhiều quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn… có nhiều người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia mà không thấy có lực lượng kiểm soát, xử lý vi phạm của địa phương. Biên bản xử lý vi phạm được lập và thông báo, bàn giao cho CSGT địa phương xử lý theo quy định.

Tại Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều biện pháp quyết liệt đã được áp dụng chặt chẽ. UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc; UBND các quận, huyện, thị xã và Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức.

UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Thanh tra GTVT, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, làm việc với cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động khách hàng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Công an TP Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP về tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn".

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt, thông báo hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.

Chuyển biến rõ rệt

Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), từ ngày 14/12/2022 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng.

Là cán bộ hàng ngày đấu tranh với “ma men” trên đường phố, Trung tá Phạm Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ công tác Y3 - 141 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần xử lý nghiêm đối với trường hợp tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Hàng ngày, lực lượng phối hợp với công an sở tại, Phòng Cảnh sát hình sự thành lập những tổ công tác, thực hiện chuyên đề xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn”.

Theo Trung tá Phạm Anh Tuấn, thời gian qua, tình trạng lái xe trong hơi thở có nồng độ cồn đã có những chuyển biến hết sức tích cực, đa số người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp lái xe cố tình vi phạm.

“Đối với những lái xe cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng còn gặp nhiều khó khăn khi lái xe chây ì, gọi cứu viện. Có trường hợp lái xe bất chấp tín hiệu dừng xe mà lao thẳng vào lực lượng chức năng” - Trung tá Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Anh Nguyễn Dương Đạt, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội. Hầu hết xe nào có dấu hiệu khả nghi đều bị kiểm tra. Bản thân tôi trước đây vẫn thỉnh thoảng uống rượu, bia xong lái xe, bây giờ chỉ dám đi taxi”.

Anh Đào Đức Hải, trú tại quận Thanh Xuân cho biết, với những thiết bị đo nồng độ cồn hiện đại như hiện nay, người vi phạm sau khi được kiểm tra bằng thiết bị đo chuyên dụng, biên bản kiểm tra in ra ngay tại chỗ, minh bạch, rõ ràng, không thể can thiệp, xin xỏ. "Từ giờ đã xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được, tôi sẽ không chủ quan điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Mong rằng, việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nề nếp để công bằng cho tất cả mọi người. Qua đó, người dân tham gia giao thông cũng được yên tâm, an toàn hơn" - anh Đào Đức Hải nói.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương nhìn nhận, quy định của pháp luật rất rõ là tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng. Quy định đã rất nghiêm khắc, thế nên, nếu mong muốn sớm thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông thì lực lượng chức năng cũng phải xử lý nghiêm minh.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho biết thêm, để giảm số lượng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, để người dân thay đổi hẳn nhận thức về tác hại của rượu bia, từ đó thay đổi hành vi sử dụng rượu bia.

 

"Để xây dựng văn hóa giao thông cần thượng tôn pháp luật và sự hiểu biết của người tham gia giao thông. Bằng các biện pháp quyết liệt như nghiêm cấm cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm, can thiệp khi xử lý nồng độ cồn và các lỗi vi phạm giao thông đã thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị Thủ đô nhằm góp phần xây dựng văn hóa giao thông đẹp, chuẩn mực." - Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội)

---

"Để quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người thi hành công vụ. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có biện pháp giảm cung rượu bia; hạn chế quảng cáo, tiếp thị bia rượu; hạn chế tiếp cận bia rượu..." - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương