Minh bạch và thuận tiện

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là vấn đề đang được Hà Nội đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đây cũng là xu thế tất yếu với nhiều tiện lợi, nhằm bảo đảm việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thêm đồng bộ, nhanh chóng, công khai, minh bạch, giải quyết tình trạng chậm, trùng lĩnh chi trả.

Chi trả các khoản tiền thông qua tài khoản hoặc các hình thức không dùng tiền mặt là vấn đề không mới và đang ngày càng thể hiện sự thuận tiện, được người dân hưởng ứng. Trong thời điểm hiện nay, khi cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, càng tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt. Đồng thời, hình thức này cũng là hoạt động nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với người dân.

Tại Hà Nội, UBND TP vừa chỉ đạo phát động tháng cao điểm về việc tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, đặc biệt tập trung thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Trong đó xác định bảo đảm 100% người dân đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản trong dịp Tết Giáp Thìn được thực hiện chi trả qua tài khoản. Đồng thời, khuyến khích, vận động, tuyên truyền cho những người dân được hưởng an sinh xã hội có nhu cầu chi trả qua tài khoản và hỗ trợ việc đăng ký tài khoản.

Ngay sau đó, các cấp, ngành đã vào cuộc, triển khai các công việc liên quan bằng sự sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế, trên quan điểm “đem lại lợi ích tối đa cho người dân”. Cùng với rà soát dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống, các đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh việc hướng dẫn về các bước triển khai, có những giải pháp thích hợp để hỗ trợ người dân trong lập tài khoản…

Dù thực tế đây không phải là việc dễ dàng, bởi các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội rất đặc thù, nhiều người cao tuổi, nhưng từ thực tế cũng cho thấy, những lợi ích mang lại từ việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đang là minh chứng cho một chủ trương đúng và cần thiết.

Bởi việc này, không chỉ tiện lợi cho các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội và người thân của họ không còn phải mất thời gian đi lại, chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả khoản tiền trợ cấp, việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng còn giúp công tác quản lý Nhà nước về an sinh xã hội của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp thuận lợi hơn. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện các chính sách.

Cùng với đó, đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng trong việc giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản, TP xây dựng các phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân. Như lãnh đạo TP đã nhiều lần nhấn mạnh, điều quan trọng là bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện. Qua đó, chung tay chia sẻ với đối tượng an sinh xã hội, từng bước làm thay đổi thói quen không dùng tiền mặt của người dân, góp phần thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền số, xã hội số.