Mở rộng chế độ thai sản để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chế độ thai sản với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện như đề xuất là quá ít, rất cần mở rộng; nên có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi được “thế chấp” bằng quá trình đóng BHXH sẽ giải bài toán người lao động rút BHXH một lần…

Thêm mức hưởng trợ cấp thai sản cho người lao động

Đây là ý kiến của TS. Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến.

Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung quản lý thu, đóng BHXH.

Bộ LĐTB&XH đề xuất trợ cấp 2.000.000 đồng thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con. Ảnh: Thanh Hải.
Bộ LĐTB&XH đề xuất trợ cấp 2.000.000 đồng thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con. Ảnh: Thanh Hải.

Đối với chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất thêm 2 chế độ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, ngoài chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện được bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và chế độ thai sản khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con, do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Về đề xuất trợ cấp 2.000.000 đồng thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, TS. Phạm Đình Thành cho rằng, số tiền này đối với người phụ nữ khi sinh con là quý, nhưng quá ít so với chế độ thai sản mà những người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng. Vì thế, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) nên căn cứ vào khả năng và mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện để người lao động có quyền lợi trong 6 tháng người ta nghỉ sinh con. Đó cũng là cách tạo ra sự cộng bằng nhất định, cũng như thể hiện sự chăm lo đối với từng đứa trẻ ngay từ khi được sinh ra.

Theo ông Phạm Đình Thành, trẻ em mới được sinh ra cần có sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nhất là thời gian nuôi con nhỏ cho người mẹ. Đối với những lao động nữ không có điều kiện làm việc sau khi nghỉ hưởng đủ chế độ thai sản mà phải tiếp tục chăm sóc con nhỏ, thì Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định kéo dài thêm thời gian nuôi con tới 6 hoặc 12 tháng tiếp theo. Và thời gian này được tính có đóng BHXH để hưởng lương hưu. Quỹ ốm đau thai sản sẽ chi trả cho thời gian người mẹ nghỉ nuôi con kéo dài và đóng góp chế độ hưu trí với mức lương (có thể) bằng mức lương cơ sở chung. Đồng thời, khuyến khích lao động nữ sớm đi làm việc để đóng BHXH với mức lương cao hơn và nhận lương hưu cao hơn.

“Thế chấp” quá trình đóng bảo hiểm xã hội để được vay vốn

Về hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất thêm một phương án, bên cạnh quy định hiện hành: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Về đề xuất này, TS Phạm Đình Thành đặt câu hỏi: Ban soạn thảo căn cứ vào cơ sở khoa học nào để đưa ra mức hưởng 50%? Tại sao người lao động lại muốn nhận BHXH một lần? Nếu người lao động rút BHXH một lần vì lý do kinh tế thì cần có cách giải quyết vấn đề này.

Theo TS. Phạm Đình Thành nên có chính sách vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi được “thế chấp” bằng quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Thanh Hải.
Theo TS. Phạm Đình Thành nên có chính sách vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi được “thế chấp” bằng quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Thanh Hải.

“Nếu người lao động không có việc làm thì đó là vấn đề của thị trường lao động, chính sách việc làm của quốc gia. Khi người lao động thiếu việc làm thì nhà nước điều chỉnh chính sách việc làm; nếu họ không có vốn làm ăn thì cần có chính sách vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi và được “thế chấp” bằng quá trình đóng BHXH. Hoặc, các nước có chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ một phần từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động muốn lập nghiệp. Có như vậy thì mới giúp được người lao động vượt qua khó khăn, tiếp tục có việc làm, thu nhập cũng như giữ được toàn bộ quá trình đóng BHXH và ở lại hệ thống BHXH” – ông Phạm Đình Thành nói.

Trước thực tế cứ hơn 1 người tham gia BHXH thì có 1 người dời khỏi hệ thống, ông Thành cho rằng, nếu cứ để mọi người rút BHXH một lần thì mấy chục năm nữa những người hết tuổi lao động, già đi không có tiền lương, phải sống vật vờ thì làm sao đất nước phát triển? Vì thế, BHXH một lần không áp dụng đối với những người chưa đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp người lao động không tiếp tục sống trên lãnh thổ Việt Nam. Khi đó, người lao động chỉ được nhận lại phần đã đóng của cá nhân họ.

Còn lại, người lao động phải có nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ cho toàn bộ đời sống lao động của mình để đến khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu. Mức lương hưu cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian đóng và mức đóng BHXH trước đó. Như vậy, người lao động sẽ có trách nhiệm đầy đủ hơn về mức đóng và thời gian đóng BHXH liên tục của mình. Ban soạn thảo cũng cần đưa ra quy định linh hoạt hơn về thời gian đóng bù để người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.