Mở tín dụng, thắt dòng tiền dễ dãi

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nới lỏng chính sách tiền tệ có kiểm soát là chủ trương đã được cơ quan chức năng đề cập đến để kích thích tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ vốn cho DN, người dân.

Tuy nhiên, để dòng tiền không đi lệch hướng, việc duy trì các chính sách kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực không ưu tiên là rất cần thiết để tín dụng không chảy sai dòng.

Một trong những công cụ quan trọng được đưa ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành là chính sách tiền tệ. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5 - 2%), nghiên cứu áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Các chuyên gia cho rằng, đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rõ ràng và cụ thể. Giải pháp ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho DN vay vốn là chính sách rất trúng và rất cần thiết.

Theo tính toán, thời gian qua, NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân 1 - 1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm ở mức độ tương tự.

Ngoài ra, với việc nới room cho một số tổ chức tín dụng, thời gian tới, một lượng vốn lớn cũng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Điều này mang thêm nhiều hy vọng cho DN trong nỗ lực phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, mở rộng chính sách tiền tệ cũng đồng nghĩa với nỗi lo vốn chảy sai chỗ. Vì thế, để kiểm soát dòng tín dụng, nhiều quy định cũng được đưa ra.

Cuối tháng 6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng.

Dù còn nhiều ý kiến lo ngại về việc bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay có thể sẽ tạo thành “rào chắn” cho dòng tín dụng, tuy nhiên, về cơ bản, quy định này được đánh giá là cần thiết, giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng.

Việc hướng dòng vốn tín dụng đến phục vụ các dự án, mục đích sử dụng vốn lành mạnh mang tính giá trị cao với nền kinh tế.

Phía NHNN khẳng định, Thông tư 06 ban hành để góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thông tư 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay là những nhu cầu vốn cho vay đã bị NHNN cảnh báo trong thời gian qua.

Thực tế, dù tín dụng rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tuy nhiên, giảm lãi suất cũng không phải liều thuốc vạn năng. Vì thế, nếu dòng tiền dễ dãi, mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng sản xuất - kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, nguy cơ lạm phát, rủi ro cao khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất - kinh doanh, mà “đi chơi tài sản tài chính”.

Mặt khác, chính sách tiền tệ cũng cần kết hợp với nhiều chính sách khác như chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và DN tiếp cận vốn tốt hơn như các gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm, thủy sản…