Mua lũ lịch sử tại miền Trung: 40 người chết và mất tích, nhiều địa phương xin được hỗ trợ khẩn cấp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 5/10 đến nay, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh Trung Bộ. Nhiều địa phương đã phải báo cáo đề xuất được hỗ trợ khẩn cấp để sớm khắc phục hậu quả.

 Nhiều địa phương tại miền Trung vẫn đang bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Báo Thể thao & Văn hoá.
40 người chết và mất tích do mưa lũ
Thông tin tại cuộc họp sáng 13/10, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung tiếp tục tăng. Đến sáng nay (13/10), vẫn còn 217xã, phường/111.329 hộ bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,5m. Trong đó, nặng nhất là Quảng Trị 81 xã; Thừa Thiên Huế 115 xã/phường.Các địa phương đã tổ chức sơ tán tổng số 21.785 hộ/66.569 người.
Đáng lo ngại hơn khi số người chết do mưa lũ vẫn chưa dừng lại. Tại các tỉnh miền Trung hiện đã có đến 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ). Cùng với đó là 12 người hiện còn đang bị mất tích. Lực lượng chức năng đang huy động mọi nguồn lực để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân.
Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia. Cụ thể gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0);20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000). Cùng với đó là các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Chủ động ứng phó bão số 7
Liên quan đến diễn biến bão số 7, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, bão đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 14/10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển tỉnh Nghệ An khoảng 320km, sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
 Đường đi của bão số 7
Doảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 70mm; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều nay, mưa giảm dần.Từ ngày 14-16/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, từ 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Để bảo đảm an toàn trên biển, Bộ đội Biên phòngcác tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.100 phươngtiện/229.805 lao động. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 duy trì 8.574 người; trongđó, bộ đội: 1.580 người, dân quân: 6.994 người, 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp với các lực lượng tại chỗ nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. 
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã tổ chức chằng chốnglồng bè nuôi trồng thuỷ sản,hạn chế thất thoát, những nơi có điều kiện di chuyển vào vùng an toàn; không để người trên lồng bè, chòi canh, trên bãi triều.Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Phú Yên có 85 vị trí đê điều xung yếu và 37 công trình đang thi công dở dang. Hiện, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7.
Trước đó, ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1393/CĐ-TTg gửi các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và các bộ ngành liên quan đề nghị tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7.