Mua ròng hơn 180 tấn, Trung Quốc đứng đầu thế giới về dự trữ vàng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xác nhận đã mua được 181 tấn vàng kể từ đầu năm đến nay, đưa dự trữ vàng lên mức 4% trong tổng dự trữ ngoại hối của ngân hàng này.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về dự trữ vàng trong 9 tháng đầu năm nay. Ảnh: Central-banks
Trung Quốc đứng đầu thế giới về dự trữ vàng trong 9 tháng đầu năm nay. Ảnh: Central-banks

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vươn lên đứng đầu thế giới về dự trữ vàng trong 9 tháng đầu năm, khi các nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực phòng ngừa lạm phát và giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Báo cáo được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 31/10 cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Financial Times, giá tiêu dùng tăng “phi mã” và đồng tiền mất giá ở nhiều thị trường đã gây ra làn sóng tích trữ vàng kỷ lục trong những tháng đầu năm nay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng tốc mua vàng dự trữ trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, do lo ngại đồng bạc xanh có nguy cơ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về dự trữ vàng trong năm nay sau chuỗi 11 tháng mua kim loại quý ở mức kỷ lục. 

Xếp sau Trung Quốc là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ khi dự trữ vàng trong 9 tháng đầu năm nay lần lượt ở mức 57 tấn và 39 tấn.

Tốc độ dự trữ vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương khiến giới chuyên gia kinh tế bất ngờ, khi họ từng dự báo làn sóng mua vàng cao nhất trong lịch sử hồi năm ngoái sẽ hạ nhiệt trong năm nay.

Giá kim loại quý này leo dốc gần 10% trong 16 phiên giao dịch gần đây do lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang sau khi bùng phát xung đột Hamas-Israel hôm 7/10.

Theo dự báo của Giám đốc chiến lược thị trường tại WGC John Reade, tổng lượng vàng mua chính thức hàng năm trên thế giới sẽ “gần bằng hoặc vượt” mức 1.081 tấn của năm ngoái.

Trên thực  tế, tốc độ mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

WGC ước tính lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong quý 3 đạt 129 tấn, đưa tổng lượng mua chính thức lên 337 tấn, tăng hơn gấp đôi so với quý trước nhưng giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 8 vừa qua, các nhà phân tích của BMO cho biết, lượng vàng nắm giữ thuộc sở hữu tư nhân và dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc “cao hơn đáng kể so với nhu cầu tiêu dùng hàng năm”.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng dự trữ, đồng nhân dân tệ suy yếu, thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm và ngành bất động sản gặp khó khăn, cũng khuyến khích người tiêu dùng nước này đổ xô mua vàng thỏi để tích trữ tài sản của họ.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh dự trữ ngoại tệ phi đô la, bao gồm cả lượng vàng thỏi kỷ lục trong bối cảnh đồng USD đang có nguy cơ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Các giao dịch mua vàng ở Trung Quốc đã được thực hiện theo từng đợt nhỏ. Các giao dịch này đã tăng lên đáng kể trong năm 2022 và dường như đang tăng tốc trong những tháng gần đây.

Ông Chris Devonshire-Ellis - Chủ tịch hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates của Hồng Kông, cho rằng nỗ lực dự trữ vàng Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi mục tiêu ổn định kinh tế, với mối đe dọa nợ quốc gia của Mỹ bị chính trị hóa.

Theo ông Devonshire-Ellis, rõ ràng Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và củng cố vững chắc kho dự trữ của nước này. Trong khi đó, dự trữ vàng luôn được đánh giá là một hàng rào đáng tin cậy trong giai đoạn khủng hoảng.

Trong khi đó, chuyên gia Paul Goncharoff của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates chi nhánh tại Moscow lý giải về việc Trung Quốc tăng tốc dự trữ vàng kỷ lục trong năm nay: “Xu hướng phi đô la hóa là không thể ngăn cản khi niềm tin vào loại tiền tệ này đã phai nhạt. Vì vậy, quyết định của Trung Quốc hoàn toàn không bất ngờ khi biện pháp dự trữ vàng đã được thử nghiệm an toàn qua nhiều thế kỷ”.