Mỹ "rạch ròi" đàm phán thương mại với vụ kiện Huawei

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ là "một chiến thuật phản tác dụng nếu Mỹ tạo cơ hội cho người Trung Quốc hiểu nhầm các quyết định pháp lý của mình"

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ Matt Whitaker và Bộ trưởng Tài chính Wilbur Ross (sau) trong sự kiện công bố cáo buộc liên quan đến Huawei hôm 28/1.
Chỉ một ngày trước vòng đàm phán thương mại mới được diễn ra, Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ công bố hai bản cáo trạng chống lại Tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, đặt ra nghi vấn về một sự gia tăng sức ép mang tính chiến thuật của Washington đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump và chuyên gia thương mại Mỹ ngay lập tức cho thấy những cái nhìn hạ thấp khả năng Washington đang sử dụng cáo buộc Huawei như một “đòn bẩy” trước giờ đối thoại. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 28/1 khẳng định cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và vụ kiện pháp lý của Huawei là “những vấn đề riêng biệt”. Cựu phó trợ lý đại diện thương mại Mỹ Matt Gold cũng cho thấy quan điểm tương tự khi nhận định đó sẽ là "một chiến thuật phản tác dụng nếu Mỹ tạo cơ hội cho người Trung Quốc hiểu nhầm các quyết định pháp lý của mình".
Các cáo buộc mới nhất thể hiện nỗ lực của Washington trong những tháng gần đây nhằm phát động chiến dịch rộng rãi chống lại “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc, khi mô tả Huawei là “một kẻ vi phạm hàng loạt luật pháp Mỹ và các hoạt động kinh doanh toàn cầu”. Nhiều nhà quan sát đã nhận định, vụ kiện Huawei hay những yêu cầu của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại đã và sắp sửa diễn ra, như cùng hướng vào một mục tiêu rằng Washington muốn đảm bảo Bắc Kinh phải “chơi” theo các quy tắc thương mại toàn cầu và tuân thủ luật pháp, giữa bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc công nghệ - lĩnh vực trước nay vốn được dẫn đầu bởi Mỹ.
Cuộc chạy đua lần hai hướng đến thỏa thuận thương mại trước hạn tăng thuế quan 1/3 sẽ diễn ra vào hai ngày 30-31/1 tại Washington, với cuộc gặp đáng chú ý nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - cố vấn hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nội dung chủ yếu được cho sẽ tập trung vào các cam kết của Trung Quốc về việc mua thêm hàng hóa Mỹ, bên cạnh chính sách của Bắc Kinh trong vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.