Nạn rệp hút máu đe dọa châu Á

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu ở Pháp hồi tháng trước, nạn rệp hút máu hoành hành hiện đang khiến một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á khiếp sợ, buộc các chính phủ phải hành động để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch.

Một công nhân sử dụng máy hút bụi để ngăn ngừa rệp bên trong tàu cao tốc tại ga Suseo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/11/2023. Ảnh: Bloomberg
Một công nhân sử dụng máy hút bụi để ngăn ngừa rệp bên trong tàu cao tốc tại ga Suseo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/11/2023. Ảnh: Bloomberg

Kể từ đầu tháng 11 này, Hàn Quốc đã phát động một chiến dịch quyết liệt nhằm diệt rệp. Loài sinh vật hút máu này phần lớn đã biến mất tại quốc gia Đông Á sau một chiến dịch quy mô toàn quốc hồi những năm 60 từ thế kỷ trước. Nhưng hiện tình trạng rệp xuất hiện đang gia tăng đáng lo ngại khắp Hàn Quốc, bao gồm cả Thủ đô Seoul.

Bên cạnh việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành chuyên xử lý rệp, Chính phủ Seoul và các chính quyền địa phương đã bắt đầu chiến dịch kéo dài 4 tuần để khử trùng những không gian có nguy cơ cao, như nhà tắm và phương tiện giao thông công cộng. Người Hàn Quốc cũng đã tạo ra các trang web có bản đồ tương tác để theo dõi tình hình lây nhiễm rệp trên khắp đất nước.

Nỗi sợ hãi về rệp cũng đang gia tăng ở Hồng Kông (Trung Quốc), đặc biệt các khu vực đông dân. Chính quyền tại đây đang cố gắng xoa dịu những lo lắng của công chúng về việc rệp có khả năng xâm nhập vào khu vực này thông qua Hàn Quốc hay không.

Sân bay của thành phố đã bắt đầu phân phát tờ rơi cảnh báo đường lây truyền rệp từ khách du lịch. Tập đoàn đường sắt Hồng Kông cũng cho biết họ đã làm sạch kỹ lưỡng chuyến tàu Airport Express, sau khi một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh một con rệp xuất hiện trên ghế tàu của hãng.

Trong khi các nhà lập pháp kêu gọi chính quyền Hồng Kông ban hành hướng dẫn dọn dẹp những không gian có nguy cơ cao, người dân nơi đây đã bắt đầu tự mình thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khiến thuốc diệt côn trùng cháy hàng trong những tuần gần đây.

Shopline - một nền tảng thương mại điện tử địa phương của Hồng Kông - cho biết họ đã chứng kiến ​​doanh số bán các sản phẩm chống rệp tăng gấp 172 lần trong đợt mua sắm "Ngày độc thân" ngày 11/11. Sự xuất hiện và mối lo ngại ngày càng tăng về rệp cũng đã gây xôn xao dư luận gần đây ở Singapore và Nhật Bản.

Darian Ee, giám đốc của Ikari - một công ty kiểm soát dịch hại ở Singapore đã ghi nhận ​​mức tăng trưởng lên đến 15% - cho biết: "Rệp luôn tồn tại xung quanh, nhưng sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc kiểm soát loài sinh vật gây hại này gần đây đã tăng lên, do các phương tiện truyền thông đưa tin kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Pháp".

Sự gia tăng số ca nhiễm rệp thường liên quan đến việc con người đi du lịch, khi mà loài côn trùng này có thể ẩn náu trong các kẽ hở như quần áo và vali, túi xách, do đó có thể lan rộng qua đường du khách. Các chuyên gia đã cảnh báo về sự hồi sinh toàn cầu của rệp trong 2 thập kỷ qua vì khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường của rệp, thông qua việc số lượng của loài cận huyết đã nhân lên đáng kể.

Xu hướng ngày càng kháng lại thuốc trừ sâu của rệp là một vấn đề đã được ghi nhận ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trong thời gian qua.

Chow-Yang Lee, giáo sư côn trùng học đô thị tại Đại học California (Mỹ), cho biết, cách tốt nhất để tiêu diệt rệp kháng thuốc trừ sâu là dùng nhiệt độ cực cao. Nhưng vì phương pháp sử dụng nhiệt có thể đắt gấp 10 lần hoặc hơn nên nhiều giới chức quản lý vẫn tiếp tục sử dụng thuốc trừ sâu.

Chuyên gia Darian Ee thì cho biết, mặc dù đôi khi sử dụng các phương pháp sử dụng nhiệt nhưng hỗn hợp thuốc trừ sâu của công ty ông vẫn hiệu quả vì chúng có thế mạnh công nghiệp. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Điều này không phải tương tự đối với các loại thuốc trừ sâu bán sẵn và bất cứ thứ gì mà mọi người có thể mua trên mạng".