Nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trong nước cũng như thế giới có sự thay đổi nhất định, đã đến lúc ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị hạt gạo.

Lợi nhuận thấp

Chúng ta phấn đấu trong 10 – 20 năm tới, Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia XK lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới, mà hạt gạo Việt sẽ đem lại giá trị gia tăng tốt nhất. Tất cả các tỉnh làm lương thực phải tập trung hơn nữa để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hình thức đẹp, sạch, đặc biệt là xây dựng một số thương hiệu lớn. Các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải xắn tay cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

Thủ tướng Chính phủ

Nguyễn Xuân Phúc

Lúa gạo là một trong những lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu rực rỡ của ngành nông nghiệp khi từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên tốp đầu thế giới về xuất khẩu (XK) gạo với sản lượng từ 7 – 8 triệu tấn mỗi năm. Hiện nay, hạt gạo của Việt Nam đã XK đến trên 150 nước trên thế giới, trong đó thị trường chính là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, nhìn thẳng vào hiện trạng của ngành, có thể nhận thấy trong một vài năm trở lại đây, sản xuất lúa gạo đang bộc lộ nhiều bất cập và dần đánh mất đi vị thế. Đơn cử, năm 2016, sản xuất lúa giảm mạnh cả về năng suất, diện tích và sản lượng XK. Trong 2 tháng đầu năm 2017, XK gạo giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo của Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao (13,7%, so với Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%). Bên cạnh đó, chất lượng gạo XK còn thấp, phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác kinh doanh khác còn một số bất cập, cộng với công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển nên khả năng cạnh tranh trong thương mại không cao. Điều đáng nói, thu nhập của người trồng lúa còn thấp, ngay tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm, nên người nông dân chủ yếu còn lấy công làm lãi. Mức thu nhập này thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

Không những thế, sản xuất lúa gạo còn thiếu tính bền vững do gặp nhiều rủi ro bởi thiên tai và không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá cả lại bấp bênh. Hơn nữa, nông dân vẫn còn chạy theo chỉ tiêu số lượng, năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng hạt gạo. Ở các vùng trồng lúa, hệ thống sấy lúa còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, công nghệ sấy còn bất cập đã ảnh hưởng xấu tới chất lượng gạo XK. Đặc biệt, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa trong khi các chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai chậm thay đổi. Theo các chuyên gia, chính sách hạn điền vẫn còn nhiều bất cập, cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định cũng như không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức đã và đang là một trong những “điểm nghẽn” kìm hãm tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa gạo theo quy mô lớn.

Tập trung vào chất lượng

Lúa gạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dân số tăng, đất nông nghiệp giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là cạnh tranh về thị trường lúa gạo trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt, yêu cầu chất lượng, vệ sinh ATTP ngày càng cao. Trong khi đó, nhiều quốc gia phấn đấu tự túc và tham gia thị trường XK gạo như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia… sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu đối với ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trong nay mai.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành lúa gạo cần có sự đột phá thay đổi phương thức sản xuất. Đó là thay vì chạy theo số lượng, các địa phương nên tập trung nâng cao chất lượng. “Quy mô sản xuất có thể nhỏ lại nhưng chất lượng phải tăng lên. Lượng gạo XK có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao thì sản xuất lúa gạo mới thực sự bền vững” – ông Sơn chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, sản xuất lúa gạo trong bối cảnh hiện nay không chỉ đảm bảo về an ninh lương thực mà còn phải đảm bảo tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường bền vững. Để nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đúng mức cho phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATTP. Theo ông Thư, các nước muốn làm nông nghiệp hữu cơ phải mất 10 – 20 năm nhưng nếu chúng ta không có chính sách cụ thể đủ mạnh ngay từ bây giờ thì sau từng ấy thời gian sẽ vẫn đứng ở vạch xuất phát.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%. Đặc biệt, có 20 - 30% lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25 - 30% lượng gạo XK thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản. Để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong nước và XK, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản triển khai rà soát, xây dựng mới 3 tiêu chuẩn Việt Nam về gạo. Dự kiến, hết quý I/2017, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ hoàn thiện dự thảo 3 tiêu chuẩn này để trình Bộ KH&CN thẩm định, công bố.

Năm 2017, dự báo sản lượng thóc đạt 44,892 triệu tấn, tổng lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng gần 9 triệu tấn, bao gồm cả lượng gạo tồn kho năm 2016 chuyển sang khoảng 0,9 triệu tấn. Riêng lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 đã khoảng 3,625 triệu tấn.


Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện nắm giữ vị thế độc quyền trong XK gạo đã tạo ra rào cản cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Thông tư 44/2010/TT – BCT quy định DN phải nộp bản sao hợp đồng trong đó có giá gạo XK và báo cáo lượng thóc, lượng gạo có sẵn của DN. Thương nhân XK gạo còn phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng để VFA nắm bắt và sẽ không được XK thấp hơn giá sàn. Đây là một trong những biểu hiện của rào cản thể chế.

TS Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư


Hiện nay, vấn đề vướng nhất cần tháo gỡ là tích tụ đất đai để sản xuất lớn. Tích tụ ruộng đất không có nghĩa là nông dân mất đất canh tác, mà thực chất là đưa vào “ngân hàng đất đai”. Khi đó, nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng đất của mình hoặc trở thành công nhân nông nghiệp cho chính DN thuê lại ruộng đất. Như vậy chính là biện pháp để nông dân “ly nông nhưng không ly hương”, có thể làm giàu trên chính quê hương.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang  Trần Anh Thư