Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp: Minh bạch chất lượng sản phẩm

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/1, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DNNVV Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn DN Hà Nội lần thứ nhất với Chủ đề “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Hà Nội”.

 Tại Diễn đàn, các DN đã trao đổi thông tin liên quan đến đầu tư, kinh doanh, cơ chế, chính sách và tìm kiếm những cơ hội phát triển cho DN cũng như góp ý về những mô hình đầu tư kinh doanh mới có hiệu quả. 
Đóng góp lớn, sức cạnh tranh vẫn thấp

Theo thống kê, năm 2017, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hơn 25.000 DN thành lập mới (tăng 11% so với năm 2016). Vốn đăng ký đạt trên 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), nâng tổng số DN trên địa bàn lên 231.922 DN. Với tỷ lệ khoảng 97% trên tổng số lượng DN, khối DNNVV trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp gần 40% GDP, góp phần tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động. DNNVV TP đã đồng hành cùng các cấp chính quyền, nỗ lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho DN, trong đó, nhiều DN dân doanh và DNNVV Hà Nội vươn lên lớn mạnh.
 Các doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác bên lề diễn đàn. Ảnh: Đinh Nguyễn
Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, đến nay, phần lớn DN vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Khối này cũng thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng phù hợp, khó tiếp cận các nguồn lực phục vụ phát triển. DN nhỏ phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, chưa xác định được khách hàng mục tiêu và chưa có tài sản thế chấp để thuyết phục khách hàng hoặc nhà đầu tư. Vì vậy, bài toán làm thế nào để nâng sức cạnh tranh của DNNVV trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 là câu chuyện đang đặt ra hết sức cấp thiết.

Thay đổi tư duy

Ông Lê Văn Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ ABSoft cho biết, một trong những khó khăn của DN hiện nay là việc kết nối giữa các bộ phận như kế toán, vận chuyển, kho quỹ… vẫn theo cách thủ công như bằng trao đổi trực tiếp, bằng văn bản giấy. Vì thế, tính kết nối yếu, chậm, làm hạn chế hiệu quả công việc. “Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, mọi thứ đều được số hoá thông tin. Vì thế, bản thân con người của DN ấy phải cập nhật, phải thay đổi tư duy” - ông Dũng cho hay.

Một trong những vấn nạn khiến DN đau đầu là hàng giả, hàng nhái. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín DN, sức khỏe của người dùng. Vì thế, Trung tâm DN Hội nhập và phát triển (IDE) đã đưa ra giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xác thực chống giả đầu tiên tại Việt Nam. Đây là giải pháp đầu tiên tại Việt Nam được cấp bằng sáng chế.

Ngoài việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo các DN tham gia Diễn đàn, để nâng cao sức cạnh tranh, DN không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và minh bạch sản phẩm. Đây chính là chìa khóa tạo dựng niềm tin nơi khách hàng. Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đang triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, phấn đầu đến năm 2020 có 400.000 DN thành lập mới. Ngoài ra, TP cũng sẽ khởi động Đề án DN khởi nghiệp sáng tạo với sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các DN đã khởi nghiệp thành công.

Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động bên lề như kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ; tư vấn về các hoạt động đào tạo, khen thưởng, markting – truyền thông, pháp chế…


Chúng ta đang đứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên nhiều thứ phải thay đổi. Giải pháp là nên gắn kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, gắn bán hàng online và offline… Đây là các kênh không thể tách rời được." - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng