Nâng tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo quyền lợi người lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã đến lúc kéo dài tuổi làm việc để người lao động (NLĐ) về hưu có lương đảm bảo đủ sống. Nhưng nâng tuổi nghỉ hưu lên bao nhiêu và lộ trình thực hiện thế nào cần nghiên cứu rất kỹ.

 Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên ngang bằng nam giới nhưng quy định cụ thể cho các ngành nghề. Ảnh: Hải Linh
Kéo dài tuổi làm việc để lương hưu đủ sống
Trình bày trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về Đề án Cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu: Một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60, nam lên 62 với lộ trình mỗi năm nâng lên 3 tháng; Hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam là 65 với lộ trình mỗi năm nâng lên 4 tháng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, để giải quyết hai nội dung: Kéo dài tuổi nghỉ hưu thì quỹ bảo hiểm hưu trí tăng lên; Khi thời gian đóng BHXH dài ra thì nguồn quỹ để lo cho NLĐ khi về già tăng lên. Như vậy, sẽ hỗ trợ việc chống mất cân bằng quỹ bảo hiểm hưu trí trong tương lai.
Tuy nhiên, “Nâng hay không nâng tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo ý chí, nguyện vọng của người dân, nhất là đảm bảo sức khỏe NLĐ trong các điều kiện làm việc còn khó khăn. Một số ngành, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm phải xem xét không tăng tuổi nghỉ hưu” – ông Lợi nêu ý kiến.

Phương án 1 khả thi hơn?

Bàn về 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu, nhiều chuyên gia đồng tình với phương án 1. Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, phương án 1 khả thi hơn vì tuổi làm việc của lao động nam không tăng quá nhiều so với hiện nay. Hơn nữa, khi lao động nữ làm việc đến 60 tuổi và nam 62 tuổi, sẽ giảm được khoảng cách giữa hai giới.
“Tăng tuổi nghỉ hưu nên áp dụng với từng nhóm lao động, ngành nghề. Những NLĐ làm công việc trực tiếp không thể kéo dài tuổi làm việc tới 60 và 62. Bên cạnh tăng tuổi nghỉ hưu, cũng cần xem xét các đối tượng và có cơ chế linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ” - ông Quảng đề xuất.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập Nguyễn Hữu Dũng cũng nghiêng về phương án 1. Vì tuy tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên 74, nhưng có tới 12 năm ốm đau và bệnh tật. Và song song với thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu, Nhà nước cũng cần có chính sách tích cực để hỗ trợ nhóm thanh niên thất nghiệp.
Về lộ trình thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lợi cho rằng, có thể không phải từ năm 2021 như Bộ LĐTB&XH đề xuất mà đến năm 2025. Trước hết, nâng cho đối tượng hành chính sự nghiệp, người quản lý, chuyên môn, kỹ thuật. Tiếp đến là nhóm đối tượng có điều kiện lao động đã được cải thiện. Cuối cùng là nhóm lao động khác, nhưng chú ý giảm thời gian làm việc cho nhóm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo sức khỏe NLĐ.

Tuổi nghỉ hưu của nữ phải ngang bằng nam giới

Tại hội thảo Tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra ngày 26/4, bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu của nữ 55, nam 60, trong khi mọi người bước vào tuổi lao động đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đều giống nhau.Vậy mà khi lao động nữ nghỉ hưu, lương thấp hơn nam giới, điều này là bất cập. Vì thế, có thể quy định tuổi nghỉ hưu của nữ ngang bằng nam để đảm bảo quyền và sự bình đẳng giữa hai giới. Tuy nhiên, nâng tuổi nghỉ hưu của nữ cần có sự tăng dần đến 60 tuổi.