NATO xích lại châu Á, Trung Quốc sẽ khó lường hơn?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liệu sự tiếp cận của NATO giúp kiềm chề tầm ảnh hưởng của Trung Quốc hay làm gia tăng căng thẳng trong khu vực? Giới quan sát có những nhận định khác nhau về vấn đề này. 

Tuần trước, đã có xác nhận rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, được gọi một cách không chính thức là “Bộ tứ châu Á-Thái Bình Dương” hay AP4, sẽ chuyển sang Chương trình Đối tác phù hợp với từng cá nhân (ITPP) mới của NATO. Kể từ đầu những năm 2010, các quốc gia này đã là một phần của nhóm “đối tác trên toàn cầu” của NATO.

Việc đề xuất văn phòng liên lạc mới tiềm năng hay cam kết tăng cường chia sẻ thông tin là những động thái cho thấy NATO đang nhanh chóng tăng cường cam kết với bốn đối tác châu Á-Thái Bình Dương này. Liên minh khẳng định, an ninh của châu Âu không thể tách rời khỏi an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thư ký NATO Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand khi đó là Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29/6/2022. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thư ký NATO Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand khi đó là Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29/6/2022. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, điều này không thay đổi thực tế rằng NATO khó có thể can thiệp trực tiếp vào xung đột ở châu Á. Trong bối cảnh đó, liệu sự tiếp cận của khối sẽ giúp kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc hay làm gia tăng căng thẳng trong khu vực? Giới quan sát có những nhận định khác nhau về vấn đề này. 

Trước tiên, ITPP là khuôn khổ cam kết với NATO dựa trên năng lực, nhu cầu và lợi ích cá nhân của đối tác và liên quan đến sự tham gia hành chính, tài chính và thực tế trong các nhóm làm việc và sáng kiến khác nhau.

Mirna Galic, nhà phân tích chính sách cấp cao về Trung Quốc và Đông Á tại Viện Hòa bình Mỹ cho biết: “ITPP giúp NATO và các đối tác hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời tối đa hóa lợi ích tiềm năng từ mối quan hệ đối tác”.

Nhìn chung, các thỏa thuận, là một phần của định dạng NATO mới dành cho các đối tác toàn cầu, tạo cơ hội phát triển khả năng tương tác với quân đội NATO cũng như nền tảng để tham gia, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức tình huống về các vấn đề khác nhau.

Máy bay chiến đấu J-16 của quân đội Trung Quốc bay trước mũi máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ trên Biển Đông vào ngày 26/5. Ảnh: AFP
Máy bay chiến đấu J-16 của quân đội Trung Quốc bay trước mũi máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ trên Biển Đông vào ngày 26/5. Ảnh: AFP

Chúng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác về các vấn đề xuyên quốc gia trải dài khắp các biên giới khu vực, ví dụ như tự do hàng hải.

Ý nghĩa chính xác của ITPP đối với từng quốc gia AP4 vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, vì các chi tiết vẫn đang được thảo luận, nhưng người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg hồi năm ngoái cho biết, ý định của liên minh là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phòng thủ mạng, công nghệ mới, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và chống lại thông tin sai lệch.

Sự sẵn sàng thắt chặt quan hệ đã được nêu bật vào tháng 6 năm ngoái khi tổ chức này mời các nhà lãnh đạo AP4 tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Các nhà lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, dự kiến cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Vilnius, Litva vào ngày 11 và 12/7.

Ngoài ra còn có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, văn phòng liên lạc đầu tiên của liên minh này ở châu Á. Tuy nhiên, sự bất đồng từ Pháp đã khiến kế hoạch này khó khăn hơn. 

Joshua Shifrinson, phó giáo sư tại Đại học Maryland, cho biết: “Thật khó để nói về ý định của NATO ở châu Á, vì bản thân liên minh không phải là một chủ thể quốc tế".

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Kishida bắt tay sau cuộc họp báo chung hôm 31/1. Ảnh: Reuters. 
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Kishida bắt tay sau cuộc họp báo chung hôm 31/1. Ảnh: Reuters. 

Thay vào đó, có thể hiểu rõ hơn về những gì các thành viên NATO kỳ vọng. Chuyên gia này nhận định, Mỹ - thành viên lớn nhất của khối - muốn có thêm sự tham gia của liên minh ở châu Á, trong bối cảnh các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ ngày càng tập trung vào Trung Quốc.

Do đó, động thái này dường như là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm kết hợp các nỗ lực phòng thủ ở châu Âu và châu Á để giải quyết những gì mà họ mô tả là “thách thức về nhịp độ” của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực và đối tác.

Eva Pejsova chuyên gia từ Trung tâm An ninh của Trường Quản trị Brussels, cho biết: “Mỹ đã tăng cường hợp tác, phối hợp và khả năng tương tác với các đồng minh không chỉ trên phương diện song phương mà còn thông qua nhiều khuôn khổ 'đơn phương' khác nhau như AUKUS trong những năm gần đây. “Sự tham gia ngày càng sâu sắc của NATO với châu Á có thể được coi là một kênh bổ sung.”

Thật vậy, hợp tác có thể diễn ra ở nhiều cấp độ, bao gồm cả chia sẻ chuyên môn. Ví dụ, trong khi AP4 có thể chia sẻ thông tin về Trung Quốc, các thành viên NATO có thể đóng góp hiểu biết về mối quan hệ Trung-Nga.

Bản thân NATO đã tuyên bố rằng họ không quan tâm đến việc đưa AP4 trở thành thành viên và hiện tại cũng chưa có phương cách, theo Điều 10, quy định các điều kiện để mở rộng liên minh.

Do đó, khả năng NATO thực hiện bất kỳ hình thức hành động chung nào trong trường hợp xảy ra xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “gần như bằng 0,” bà Pejsova nói, lập luận rằng điều khoản phòng thủ tập thể của tổ chức này chỉ áp dụng cho các cuộc tấn công ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng không bao gồm Hawaii hoặc Guam.

Tuy nhiên, có những kịch bản liên quan tiềm năng. Mặc dù khó có thể xảy ra, nhưng về mặt lý thuyết, một cuộc xung đột ở châu Á có thể leo thang đến mức có sự tham gia của NATO nếu, chẳng hạn, một cuộc xung đột với Triều Tiên hoặc Trung Quốc dẫn đến việc một trong hai bên tiến hành các cuộc tấn công vào Mỹ.

Michito Tsuruoka, một chuyên gia an ninh quốc tế - PGS tại Đại học Keio, cho biết NATO "không có ý định" trở thành một liên minh toàn cầu, nhưng “liên minh dường như không có ý tưởng rõ ràng về những gì họ chuẩn bị làm trong khu vực”.

Cũng có những nghi ngờ về việc liệu tất cả 30 quốc gia thành viên NATO có sẵn sàng hoặc thậm chí có khả năng tham gia quân sự vào một cuộc xung đột ở châu Á hay không.

Tuy nhiên, một số người cho rằng sự tham gia nhiều hơn của NATO với khu vực có thể thúc đẩy các thành viên liên minh châu Âu huy động sự tham gia về mặt chính trị và kinh tế - nếu không muốn nói là quân sự - trong trường hợp xảy ra xung đột.

Một số đưa ra khả năng rằng các quốc gia thành viên riêng lẻ có thể quyết định cung cấp một số mức hỗ trợ quân sự, trong khi những quốc gia khác có thể sẽ cung cấp hỗ trợ tài nguyên kinh tế và ngoại giao đáng kể, và thậm chí có thể là vũ khí và viện trợ quân sự phi sát thương - tương tự như sự hỗ trợ mà một số quốc gia đã cung cấp cho Ukraine. 

Tuy nhiên, quan điểm của các chuyên gia về tuyên bố của Bắc Kinh rằng sự tham gia sâu hơn của NATO trong khu vực cuối cùng sẽ gây căng thẳng trong khu vực và làm tăng khả năng xảy ra xung đột. Một số người cho rằng chính các hành động và tham vọng của Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nước trong khu vực.

Tuy nhiên cũng có cảnh báo về những rủi ro với động thái của NATO.

Theo chuyên gia Shifrinson: “Dấn thân sâu hơn vào châu Á có nghĩa là Trung Quốc có thể tin rằng họ phải đối mặt với sự phản đối lớn hơn của phương Tây so với thực tế, do đó tạo ra động lực cho Bắc Kinh tấn công lại như một phương thức phản công”.

Ngoài ra, chuyên gia này nói thêm, Mỹ hoặc các nước khác có thể tin rằng họ có một liên minh mạnh hơn để đối đầu với Bắc Kinh so với thực tiễn, dẫn đến việc Washington chống lại một số yêu cầu của Trung Quốc một cách quyết liệt không đáng có. 

Trong cả hai trường hợp, NATO dường như quyết tâm tăng cường can dự và để ngỏ cánh cửa cho các đối tác mới trong khu vực.