Nga cảnh báo động thái hạt nhân chưa từng có sau hơn 3 thập kỷ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/10 đưa ra khả năng Nga có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên sau hơn 30 năm, đồng thời rút lui khỏi việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân mang tính bước ngoặt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Sochi, Nga, ngày 5/10/2023. Ảnh: SPUTNIK
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Sochi, Nga, ngày 5/10/2023. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Nga Putin cho biết, Moscow đã thử thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Burevestnik - vũ khí mà ông gọi là "vô địch".

Tuy nhiên, người đứng đầu cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới cho biết Nga sẽ không cần phải thay đổi quan điểm hạt nhân, khi mà bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này đều sẽ dẫn đến phản ứng từ hàng trăm tên lửa hạt nhân chỉ trong tích tắc.

"Tôi nghĩ không không một quốc gia nào có thể nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga" - ông Putin nói trong cuộc họp của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở khu nghỉ mát Sochi, Nga, hôm 5/10.

"Tôi ghi nhận những lời kêu gọi bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân và quay trở lại thử nghiệm" - nhà lãnh đạo nói thêm, đề cập đến những đề xuất từ ​​các nhà khoa học và nhà bình luận chính trị theo đường lối cứng rắn cho rằng các động thái này là cần thiết để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những đối thủ của Moscow ở phương Tây.

Ông lưu ý rằng Mỹ đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhưng không phê chuẩn, trong khi Nga đã ký và phê chuẩn. "Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng ta có thực sự cần tiến hành thử nghiệm hạt nhân hay không, nhưng về mặt lý thuyết, có thể hành xử giống như Mỹ" - Tổng thống Putin tuyên bố.

Theo Liên Hợp quốc, trong 5 thập kỷ kể từ năm 1945 đến khi Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ra đời vào năm 1996, hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện, trong đó có 1.032 vụ do Mỹ thực hiện và 715 vụ do Liên Xô thực hiện. Lần cuối cùng Liên Xô thử nghiệm là vào năm 1990. Mỹ thử nghiệm lần cuối là vào năm 1992.

Việc Nga, Mỹ hoặc cả hai nối lại các vụ thử hạt nhân sẽ gây bất ổn sâu sắc vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước đang lên mức cao nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tháng 2 năm nay, Tổng thống Putin đã đình chỉ việc Nga tham gia hiệp ước New START với Mỹ, vốn nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai.

Cũng tại Sochi hôm 5/10, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đang đi quá xa trong cuộc chiến Ukraine. Ông cảnh báo rằng nếu các nhà lãnh đạo từ chối thỏa hiệp thì thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả: "Họ thực sự bị ám ảnh bởi một điều duy nhất - đó là thúc đẩy các lợi ích bằng bất cứ giá nào. Nếu đó là lựa chọn của họ, hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra".