Nga lên kế hoạch đầu tư hạt nhân tại châu Phi

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow tuyên bố đã sẵn sàng cho việc mở rộng các dự án hạt nhân lớn ở châu Phi trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia của châu lục này nỗ lực thiết lập cơ sở hạ tầng hạt nhân.

RT đưa tin Ngân hàng Phát triển Mới BRICS đã đồng ý tài trợ cho một số dự án năng lượng của tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom tại lục địa đen.

Nga tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ hạt nhân với các quốc gia châu Phi. Ảnh: Sputnik
Nga tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ hạt nhân với các quốc gia châu Phi. Ảnh: Sputnik

Theo Tổng giám đốc Rosatom Aleksey Likhachyov, Nga và Ethiopia đã ký kết lộ trình hợp tác năng lượng hạt nhân tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi ở St.Petersburg vào tuần trước.

Tuyên bố của Rosatom nêu rõ: “Thỏa thuận vạch ra các bước mà hai quốc gia sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 để nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hoặc nhỏ, cũng như một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở Ethiopia”.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi vừa diễn ra ở St. Petersburg, Bộ trưởng Đổi mới và Công nghệ Ethiopia Molla Bellete và Tổng giám đốc Rosatom Aleksey Likhachyov đã nhất trí hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia của Ethiopia, tổ chức các chuyến tham quan và hội thảo kỹ thuật của các nhóm công tác chuyên ngành.

Ông Likhachyov cũng tiết lộ, ngân hàng Phát triển Mới BRICS sẽ tài trợ một số dự án của Rosatom, bao gồm xây dựng các trung tâm y tế và nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ.

“Lần đầu tiên chúng tôi đã tổ chức các cuộc đàm phán quy mô lớn với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Mới BRICS. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về tài trợ cho một số dự án ở các nước BRICS” - ông Likhachyov cho hay.

Theo ông Ryan Collier - Giám đốc điều hành của Rosatom Trung và Nam Phi, Nga đang đẩy mạnh hợp tác hạt nhân với các nước châu Phi và đạt nhiều kết quả tích cực khi ngày càng có nhiều quốc gia nỗ lực thiết lập cơ sở hạ tầng hạt nhân trong thập kỷ qua.

“Chúng tôi hiện có nhà máy điện hạt nhân 4.800 megawatt đang được xây dựng ở Ai Cập, và đang tiến triển ở châu Phi cận Sahara” - quan chức của Rosatom nói, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án chắc chắc “sẽ thay đổi bộ mặt” của quốc gia châu Phi thông qua việc cung cấp “phụ tải điện sạch”.

Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa sẽ bao gồm 4 tổ máy sử dụng công nghệ lò phản ứng VVER của Nga, mỗi tổ máy có công suất 1.200 MW và được trang bị các lò phản ứng thế hệ III+ VVER-1200, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ai Cập hy vọng nhà máy hạt nhân này sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2030.

Người đứng đầu Ủy ban điều phối hợp tác kinh tế với các nước châu Phi (AFROCOM) Igor Morozov cho biết, Nga hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với các quốc gia châu Phi.

“Chúng tôi đang xúc tiến việc thành lập một trung tâm đào tạo dành cho các chuyên gia năng lượng hạt nhân ở Rwanda, một trung tâm nghiên cứu và công nghệ mà tôi chắc chắn rằng Rosatom sẽ mở rộng quy mô trong tương lai trên toàn bộ lục địa châu Phi” - ông Morozov chia sẻ tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai.

Ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhiều nhà máy điện trên thế giới.

Theo báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân thế giới, trong số 53 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng tính đến giữa năm ngoái, 20 lò do Rosatom xây dựng, 17 trong số đó nằm ngoài nước Nga.