Nga chính thức giao S-300, cảnh báo phương Tây về tiến trình hòa bình Syria

Hương Thảo (Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga chỉ trích nhóm các nhà ngoại giao hàng đầu của 7 nước, bao gồm Mỹ và các đồng minh phương Tây, đang ngăn cản nỗ lực thiết lập hòa bình tại Syria của LHQ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 28/9 rằng Moscow đã bắt đầu cung cấp hệ thống tên lửa không đối không S-300 cho Syria và cảnh báo các cường quốc phương Tây đang cố gắng phá hoại những nỗ lực chấm dứt xung đột 7 năm qua tại Syria của Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 28/9. Ảnh: Reuters  
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã thông báo rằng hệ thống S-300 sẽ được chuyển giao cho các lực lượng chính phủ Syria trong 2 tuần tới, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Israel.
Một tuần trước đó, Moscow cáo buộc Israel đã gián tiếp gây ra thảm kịch của một máy bay quân sự IL-20 Nga tại Syria, khiến toàn bộ 15 quân nhân Nga thuộc phi hành đoàn thiệt mạng.

"Việc chuyển giao đã bắt đầu và như Tổng thống Putin đã nói sau sự việc đó...các biện pháp mà chúng tôi sẽ thực hiện là nhằm đảm bảo an toàn avf an ninh tuyệt đối cho binh lính của chúng tôi", ông Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc .
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 tại Triển lãm quân sự quốc tế 2017. Ảnh: Reuters 
Nga, cùng Iran, đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad thu hồi một lượng lớn lãnh thổ bị khủng bố chiếm đóng ở Syria mà không buộc ông phải đồng ý với bất kỳ cải cách chính trị nào. Nga cũng đã thúc đẩy các cuộc đàm phán riêng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, được gọi là đàm phán Astana, cũng như các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ lãnh đạo đã bị đình trệ.
Một số nhà ngoại giao cho rằng, sự cố của IL-20 và một thỏa thuận mới đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạo lập vùng hòa bình ở Idlib có thể tạo tiền đề để thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an về tạo lập tiến trình hòa bình tại Syria
Theo đó, Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm Nga và Mỹ, đã ủy nhiệm đặc phái viên Staffan de Mistura chịu trách nhiệm tạo lập một thỏa thuận về hiến pháp mới, các cuộc bầu cử mới và cải cách chính quyền Syria.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông Mistura là thành lập một ủy ban hiến pháp nhằm quyết định xem ai sẽ chọn. Ông nói rằng ông sẽ chọn khoảng 50 người, bao gồm những người ủng hộ chính phủ, phe đối lập và độc lập tham gia, nhưng cho đến nay chính phủ Syria đã từ chối ý tưởng này.
Trong một cuộc họp tại New York hôm 27/9, Ngoại trưởng của 7 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia đã kêu gọi đặc phái viên Mistura triệu tập ủy ban lập hiến và báo cáo tiến độ vào cuối tháng 10.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc nhóm này đang cố gắng làm suy yếu nỗ lực của Astana và gây áp lực lên ông de Mistura nhằm áp đặt giải pháp riêng của các quốc gia này về cuộc xung đột dai dẳng tại Syria.
"Điều này đang phá hoại tất cả những gì đã được thực hiện tại đàm phán Astana và khiến người Syria phải sống tại đất nước mình nhưng chính quyền lại được tạo lập bởi các quốc gia khác", ông Lavrov chỉ trích.