Nga vẫn “sống tốt” trước đòn trừng phạt của phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Điện Kremlin đánh giá, nền kinh tế Nga đang vận hành tốt hơn mong đợi, đồng thời khẳng định nỗ lực của phương Tây nhằm gây hại cho Mosow thông qua các biện pháp trừng phạt đã thất bại.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: Tass
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: Tass

Ngày 4/7, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây, trong đó tăng trưởng GDP trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 0,6%.

"Nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi bất chấp các lệnh trừng phạt, cũng như những trở ngại cản đường đất nước phát triển. Tăng trưởng GDP trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 0,6%. Điều quan trọng hơn, mức tăng trong tháng 5 đã đạt 5,4%" - đài RT dẫn phát biểu của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 4/7. 

Theo Thủ tướng Mishustin, chính phủ Nga tin tưởng rằng đến cuối năm, tăng trưởng GDP sẽ vượt mức 2%. 

Ông Mishustin lưu ý thêm rằng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đang duy trì mức thấp, lần lượt ở mức 3,1% và 5%. Thủ tướng Mishustin cho rằng, những chỉ số này cho thấy Nga là nền kinh tế có sự ổn định cao.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin nhận định, tình hình hiện tại của nền kinh tế Nga tốt hơn so với dự báo ​​trước đó. Ông nhấn mạnh, điều này mở ra những tín hiệu lạc quan cho việc hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023.  

Trước đó, cùng ngày, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổng thống Putin tuyên bố những nỗ lực của phương Tây nhằm cản trở phát triển kinh tế của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt đã thất bại.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định "Moscow tự tin chống lại và sẽ tiếp tục chống lại áp lực, lệnh trừng phạt và sự khiêu khích từ bên ngoài", nhắc đến những biện pháp đáp trả của phương Tây với việc Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Tổng thống Putin, để đối phó sức ép từ các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga sẽ tăng cường hợp tác với SCO và ủng hộ việc chuyển sang thanh toán thương mại bằng các đồng tiền bản địa.

"Việc sử dụng đồng tiền bản địa trong giao dịch song phương đang ngày càng phổ biến. 80% giao dịch giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng ruble và nhân dân tệ. Ruble chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của Nga đến các quốc gia SCO năm 2022" - ông chủ Điện Kremlin cho hay.

Trong một diễn biến tích cực khác, báo cáo do tổ chức S&P Global công bố ngày 5/7 cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Nga đã nhảy vọt từ 54,3 điểm trong tháng 5 lên mức 56,8 điểm trong tháng 6.

Phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Ảnh: RT
Phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Ảnh: RT

Theo các chuyên gia của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh  đã tạo cơ hội để các công ty tuyển dụng thêm nhiều việc làm trong tháng 6 vừa qua. Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng việc làm tại Nga ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Theo báo cáo trên, trong tháng 6, số lượng đơn đặt hàng mới tại Nga  đã tăng tháng thứ năm liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2023.

​Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt nhờ doanh thu từ năng lượng cao hơn dự kiến.

Theo WB, chỉ số tăng trưởng GDP của Nga dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào năm 2024, dù ở mức khiêm tốn 1,2%. “Sự thay đổi này chủ yếu phản ánh khả năng phục hồi bất ngờ của sản xuất dầu mỏ và đà tăng trưởng cao hơn dự kiến từ năm 2022” - báo cáo của WB cho hay.

Các chuyên gia WB nhận định trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moscow đã thay đổi thị trường xuất khẩu dầu của mình “mà không có sự khác biệt đáng kể về khối lượng xuất khẩu". 

Kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2023, phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt Nga về tài chính - tiền tệ, năng lượng, vận tải và một số lĩnh vực khác.

Một trong các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của phương Tây là loại các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), khiến các tổ chức tài chính của Nga mất khả năng kết nối với phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đó, Nga bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Nhiều cá nhân, tổ chức Nga bị đưa vào danh sách đóng băng tài sản, cấm đi lại.

Dù thừa nhận khó khăn, nhưng các quan chức Nga quả quyết nền kinh tế của họ vẫn đủ sức chống chọi qua "cơn sóng gió". Thủ tướng Mishustin bày tỏ lạc quan khi dự đoán, đến năm 2024, nền kinh tế Nga sẽ có thể vượt các nước phát triển về tốc độ tăng trưởng.