Ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 năm kể từ sau trận lũ lịch sử được ghi nhận vào năm 2018, nhiều địa phương ven sông Bùi, sông Tích, sông Đáy thuộc một số huyện ngoại thành Hà Nội lại bị ngập sâu nước kéo dài nhiều ngày. Lũ rừng ngang được xem là nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt này.

Người dân thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) di chuyển đồ đạc để tránh bị ngập nước. Ảnh: Phi Hùng
Người dân thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) di chuyển đồ đạc để tránh bị ngập nước. Ảnh: Phi Hùng

Không còn dừng ở nguy cơ

Đợt mưa lớn kéo dài trung tuần vừa qua đã khiến nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị ngập nước. Đặc biệt, tại 14 thôn thuộc 9 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ, khoảng 312 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu đã bị ngập sâu, có vị trí đo được lên đến 1m.

Ông Hoàng Văn Đăng - Trưởng thôn Hạnh Côn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết, từ năm 2018 đến nay, ngôi làng nhỏ nằm ven sông Bùi mới lại bị ngập sâu nước đến nửa mét. “Mùa mưa lũ những năm gần đây, nước sông Bùi có thời điểm vẫn lên cao, nhưng chủ yếu chỉ gây ngập ruộng đồng và đường giao thông…” - ông Đăng cho hay.

Người dân sinh sống ven sông Bùi, sông Tích thuộc địa phận các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai hẳn vẫn chưa quên trận lụt lịch sử hồi tháng 7/2018. Đó là thời điểm mực nước sông Bùi lên tới +7,51m, con số cao nhất ghi nhận được trong lịch sử. Trong khi mực nước sông Tích cũng cao hơn báo động 3 đến 0,6m.

Trận lụt năm đó đã khiến hàng ngàn hộ dân thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... chìm trong biển nước. Nhiều hộ gia đình phải sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Tình trạng ngập lụt kéo dài hàng tháng trời, khiến sản xuất bị ngưng trệ, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn, dù đã được chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, ngập lụt không còn là hiện tượng hiếm gặp trên địa bàn TP. Lịch sử đã từng ghi nhận những trận lũ lớn trên sông Tích, sông Bùi, xảy ra vào các năm 1971, 1985, 2008, 2017. Điều này cho thấy, nguy cơ xảy ra lũ lụt tại Hà Nội luôn tiềm ẩn và không thể chủ quan.

Một khu dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập nước do mưa kéo dài và ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Ảnh: Việt Linh
Một khu dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập nước do mưa kéo dài và ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Ảnh: Việt Linh

Vì sao Hà Nội bị ngập lụt?

Trận mưa lớn kéo dài ít này qua không chỉ gây thiệt hại cho huyện Chương Mỹ, mà còn khiến hàng ngàn hécta cây trồng bị ảnh hưởng thuộc các huyện: Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Đan Phượng, Hoài Đức… Trạm bơm Đốc Tín, cống Gốc Gạo, cống Chùa do Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý cũng bị hư hỏng do mưa lớn. Ngoài ra, tại huyện Ứng Hòa còn ghi nhận hai sự cố sạt lở đê điều nghiêm trọng…

Lý giải nguyên nhân gây ngập lụt những ngày qua tại một số huyện ngoại thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội Phạm Quang Đông đánh giá là do lượng mưa lớn trong thời gian ngắn từ khu vực Hòa Bình đã đổ dồn về các sông thuộc địa bàn TP và khiến mực nước sông lên nhanh.

Cán bộ, chiến sỹ trường Sỹ quan Đặc Công giúp dân đắp đê ngăn lũ tràn đê. Ảnh: Trần Thụ
Cán bộ, chiến sỹ trường Sỹ quan Đặc Công giúp dân đắp đê ngăn lũ tràn đê. Ảnh: Trần Thụ

Các chuyên gia nhận định, tại những vùng, lưu vực xuất hiện mưa lớn tập trung với cường độ từ 100mm trở lên, kéo dài 10 giờ đồng hồ (thậm chí là ngắn hơn), sẽ có khả năng cao xảy ra lũ rừng ngang. Cùng với lượng mưa, mật độ thảm thực vật suy giảm khiến đất và rừng thuộc các huyện miền núi của Hòa Bình không còn giữ được nước. Tổng hòa các yếu tố này khiến lũ rừng ngang thường đổ dồn về lưu vực sông của Hà Nội và gây nên tình trạng ngập lụt.

Đáng chú ý, kết quả rà soát, đánh giá mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, có đến 18 xã, thị trấn thuộc 3 huyện trên địa bàn TP nhiều khả năng xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang khi có mưa lớn kéo dài. Cụ thể là các xã: An Phú, Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); 7 xã thuộc huyện miền núi Ba Vì gồm: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài.

 

Sông Tích hợp với sông Bùi rồi đổ vào sông Đáy; từ đây, nước sông Đáy nhập vào sông Hoàng Long và đổ ra biển. Tuy nhiên mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nước sông Đáy, sông Hoàng Long cùng lên cao. Hệ quả là việc tiêu thoát nước trên sông Bùi, sông Tích rất chậm và dẫn đến tình trạng ngập lụt vùng dân cư ven sông.

TS Hoàng Phúc Lâm - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Đặc biệt, vùng hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ là khu vực tập trung nhiều xã, thị trấn có khả năng bị ngập lụt nhất khi xảy ra mưa lớn. Trong đó, các địa phương tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của lũ quét, lũ rừng ngang gồm các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc và thị trấn Xuân Mai.

Cần sớm nâng cấp hệ thống đê điều

Thực tế những năm qua, Hà Nội đã rất quan tâm, bố trí nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Tính từ năm 2016 đến nay, khoảng 171 tỷ đồng đã được UBND TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội để triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp đê điều, trong đó có các đoạn tuyến thuộc sông Bùi, sông Tích, sông Đáy - những lưu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang.

Mặc dù vậy, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy những tuyến đê này có thân nhỏ, mái dốc, mặt cắt hẹp. Mặt đê nhiều đoạn tuyến cũng chưa được cứng hóa. Một số tuyến đê bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư như tuyến hữu Đáy thuộc huyện Quốc Oai, tuyến tả Tích qua huyện Thạch Thất, tuyến Tân Tiến thuộc huyện Đan Phượng… Chính vì vậy khi xảy ra lũ lớn, các tuyến đê rất dễ xảy ra sự cố, đặc biệt là tình trạng sạt lở, hư hỏng cống qua đê và tràn bờ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đầu tư, nâng cấp tổng thể hệ thống đê điều trên tuyến sông Bùi, sông Tích, sông Đáy; đặc biệt là một số tuyến đê đóng vai trò phòng, chống lũ rừng ngang ở cấp 4, cấp 5, hoặc chưa được phân cấp.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, để chủ động ứng phó với nguy cơ từ lũ rừng ngang, UBND TP đã phê duyệt phương án ứng phó với lũ lớn trên sông Bùi, sông Tích. Trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương lên phương án chi tiết để sẵn sàng di dời người dân sinh sống ở ven sông, ven suối đến nơi tránh trú an toàn trong tình huống lũ khẩn cấp.

“Trước diễn biến thiên tai ngày một bất thường, Hà Nội cũng đã xây dựng phương án cứu trợ khẩn cấp nhằm bảo đảm đời sống của người dân khi có sự cố thiên tai như lũ quét, lũ rừng ngang. Khối lượng hàng hóa dự trữ có thể bảo đảm để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 250.000 người dân trong thời gian 7 ngày liên tục...” - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

 

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn phòng chống lũ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu gói tài chính để nâng cấp tổng thể hệ thống đê điều kết hợp đường giao thông; cố gắng thực hiện đầu tư đến đâu, sẽ bền, đẹp đến đó. Đặc biệt, TP sẽ chỉ đạo các đơn vị quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai.