Anh: Hành khách lao đao vì nhân viên đường sắt đình công

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân viên ngành đường sắt Vương quốc Anh đình công khiến hành khách rơi vào tình trạng lao đao vì thiếu phương tiện đi lại.

Theo đó, hàng triệu người dân tại thủ đô London, nước Anh đang phải vật lộn với việc đi làm, đi học..., bởi thiếu phương tiện đi lại, do mạng lưới đường sắt tạm ngưng, vì nhân viên đình công.

 Người dân Anh khốn khổ trong việc đi lại vì ngành đường sắt đình công.

Người dân Anh đang phải sử dụng ô tô, tàu thuyền, xe đạp và xe buýt… để đi làm, sau khi nhân viên tại các ga tàu điện ngầm ở London tổ chức đình công trước đó một ngày. Việc này, khiến phần lớn các “ông lớn” ngành đường sắt tại trung tâm thủ đô London phải tạm đóng cửa từ các trạm chính ở Victoria, Kings Cross và Waterloo.

Cuộc đình công diễn ra sau khi nhân viên trong ngành tàu điện ngầm và giới chủ không đạt được thỏa thuận về những tranh cãi lâu dài liên quan đến kế hoạch cải cách nhằm cắt giảm nhân công trong ngành này. Cuộc đình công do Công đoàn khối vận tải, đường sắt và hàng hải (RMT) khởi xướng, diễn ra từ 18 giờ (giờ địa phương).

Giới chuyên gia nhận định, cuộc đình công lớn này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông công cộng ở thủ đô London. Đồng thời, gia tăng áp lực lên hoạt động xe buýt và tàu hỏa, khi lượng người tham gia giao thông khá đông. Theo đó, mỗi ngày hệ thống tàu điện ngầm tại đây đóng góp tới 4,8 triệu lượt vận chuyển hành khách. Mặc dù chính quyền thủ đô London đã tăng cường các chuyến xe buýt trong thời gian này, nhưng việc đi lại của người dân vẫn sẽ bị ảnh hưởng, khiến thời gian lưu thông trên đường bị kéo dài.

Sự việc này cũng được dự báo sẽ gây tác động lớn trong bối cảnh nhân viên tàu hỏa khu vực ngoại ô London và khu vực phía Đông - Nam TP cũng lên kế hoạch tiến hành đình công từ ngày 10/1. Cùng ngày, hàng nghìn nhân viên Hãng hàng không quốc gia Anh (BA) cũng sẽ đình công 2 ngày đòi tăng lương.

Công đoàn RMT và giới chủ hiện vẫn bất đồng về kế hoạch triển khai mô hình bán vé tự động, đã khiến hơn 900 người mất việc làm. RMT cho biết mặc dù lãnh đạo ngành tàu điện ngầm đã cam kết tạo việc làm mới cho số người mất việc, song cho đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong khi đó, Thị trưởng London Sadiq Khan kêu gọi hủy bỏ cuộc đình công này. “Những cuộc đình công này là không cần thiết, điều này chỉ khiến việc đi lại của người dân thêm phần khó khăn”, ông Khan nói.

Một số nhà lập pháp kêu gọi, chính phủ cần đưa ra luật mới, nhằm ngăn chặn việc xảy ra các cuộc đình công khác. Việc để xảy ra các cuộc đình công sẽ chỉ khiến chính phủ nước này tiêu tốn hàng triệu bảng Anh, cũng như gây thiệt hại về hình ảnh của Anh – đất nước được coi như một cường quốc kinh tế và tài chính lớn trên thế giới.