Ngành Khoa học & Công nghệ Thủ đô: Luôn là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 55 năm (1962 - 2017) là quãng thời gian đủ dài để ghi nhận những dấu ấn sâu sắc và vai trò vô cùng quan trọng của ngành Khoa học & Công nghệ (KH&CN) vào sự phát triển của Thủ đô trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hơn nửa thế kỷ đóng góp thầm lặng và hiệu quả

Hơn nửa thế kỷ trước, nhằm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, ngày 5/3/1962, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 435-NQ/ĐBHN về việc thành lập Ban Kỹ thuật TP (tiền thân của Sở KH&CN ngày nay). Kể từ đây, dấu ấn KH&CN Thủ đô đã chính thức được định hình, đánh dấu bước tiến mới trên chặng đường xây dựng và phát triển của mình.

Trong sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô, KH&CN luôn được xác định đóng vai trò đặc biệt quan trọng. TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KH&CN. Những văn bản mang tinh thần đổi mới đã tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho hoạt động KH&CN phát triển. Được Bộ KH&CN đánh giá là đi trước một bước so với cả nước. Lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ KH&CN thường xuyên quan tâm, chỉ đạo những nhiệm vụ quan trọng mà KH&CN Hà Nội đang thực hiện. Và đó chính là nền tảng vững chắc để KH&CN Thủ đô định hướng được con đường phát triển.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, KH&CN được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng. Hầu hết các kết quả nổi bật của TP về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng đều có dấu ấn không nhỏ của KH&CN Thủ đô. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trên tất cả các lĩnh vực được triển khai và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng và phát triển chung của TP.

Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành KH&CN Thủ đô đã có trên 700 đề tài nghiên cứu với hàng chục dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình KH&CN cấp TP. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài đạt trên 70%, và với các dự án là 100%. Việc chú trọng đề cao tính hiệu quả của các chương trình KH&CN đã tạo nên cách làm mới cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học ở T.Ư và TP.

Đến nay, đã có hơn 200 dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội được thẩm định công nghệ, trong đó có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như: Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày; Nhà máy xử lý rác tại Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày; Nhà máy đốt rác công nghiệp phát điện 75 tấn/ngày đêm. Cấp chứng nhận hoạt động cho trên 400 tổ chức KH&CN, thẩm tra và cấp gần 60 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số DN KH&CN được thành lập theo Nghị định 80 của Chính phủ với 37 DN.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước đối với việc triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; hỗ trợ 100% các cơ quan sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và 576/586 xã, phường, thị trấn áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2000 và đến nay các cơ quan này hầu hết đã chuyển đổi theo phiên bản TCVN ISO 9001:2008. Đã có 135 DN được hỗ trợ áp dụng ISO 14000 về môi trường và 106 DN hỗ trợ áp dụng ISO 22000 về an toàn vệ sinh thực phẩm. Góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện công tác cải cách hành chính của TP; các DN nhờ việc áp dụng hệ thống ISO tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ngành KH&CN cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng, định hướng giá trị và thúc đẩy mô hình hợp tác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống trong tiến trình hiện đại hóa của Thủ đô. Các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề truyền thống như: “Tranh thêu” của huyện Thường Tín, “Sữa bò Ba Vì” “Nón chuông” của huyện Thanh Oai, “Bưởi tôm vàng” của huyện Đan Phượng, “Nhãn chín muộn” của huyện Hoài Đức và “Rau hữu cơ” của huyện Sóc Sơn…

Hoạt động nổi bật của ngành KH&CN Thủ đô đó là việc thường xuyên tổ chức và tham gia các kỳ Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart). Kể từ tháng 10/2003 đến nay, đã có 27 kỳ Techmart khu vực, quốc gia và quốc tế có sự hiện diện và tham gia đóng góp to lớn của KH&CN Thủ đô. Số lượng đơn vị, DN KHCN tham gia Techmart tăng theo từng năm với hàng chục nghìn sản phẩm công nghệ, thiết bị được giới thiệu, chào bán. Qua mỗi kỳ Techmart, số lượng hợp đồng, biên bản ghi nhớ đã tăng lên rõ rệt với tổng giá trị các hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trên hết, việc tổ chức thường xuyên các kỳ Techmart sẽ giúp Hà Nội định hình và phát triển thị trường KH&CN, một trong những yếu tố quan trọng để đưa KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy, kích thích và phát triển toàn diện Thủ đô và đất nước.

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có thể tự hào là cái nôi của ngành KH&CN Việt Nam trong suốt 55 năm qua. Là nơi tập trung đa số các nhà khoa học với hơn 70% tổng số cán bộ khoa học của cả nước với đầy đủ lĩnh vực chuyên môn. Không những thế, Hà Nội còn là nơi đặt trụ sở của các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu, do vậy nguồn lực KH&CN của Hà Nội được khẳng định là dẫn đầu cả nước.

Mặc dù luôn tiến hành công việc của mình một cách âm thầm và lặng lẽ, nhưng giá trị mà ngành KH&CN Thủ đô đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô và đất nước là rất to lớn. Đó sẽ là động lực để các nhà quản lý, nhà khoa học không ngừng nhiệt huyết, cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho nền KH&CN Thủ đô, như đã cống hiến trong suốt chặng đường 55 năm qua.

Tiếp tục giữ vai trò động lực, then chốt

Nói về định hướng phát triển của ngành KH&CN Thủ đô trong giai đoạn tới (2016 - 2020), TS Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, ngành sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là động lực then chốt nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của Hà Nội. Qua đó thực hiện thắng lợi 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Để làm được điều này, ngành KH&CN Thủ đô sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN; Tập trung cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn; Triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất các Chương trình, Nghị quyết của TP về KH&CN.

Tập trung khai thác và phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng KH&CN; Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN thông qua kết nối các hoạt động cung cầu công nghệ, tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị...; Tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng của TP trên một số lĩnh vực như ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải; vệ sinh ATTP; tình trạng ùn tắc và TNGT, chống úng lụt; quản lý và xây dựng đô thị...

Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao... cũng được đẩy mạnh. Các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ cũng như an toàn bức xạ và hạt nhân và hợp tác quốc tế về KH&CN cũng sẽ tiếp tục được tăng cường.

Cũng theo TS Lê Ngọc Anh, với truyền thống vẻ vang và kết quả đạt được trong suốt chặng đường 55 năm vừa qua, ngành KH&CN Thủ đô hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn vinh dự và trách nhiệm của mình. Sở KH&CN Hà Nội sẽ tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo; tâm huyết với nghề; không ngừng củng cố, xây dựng mối đoàn kết nội bộ vững mạnh; thường xuyên bám sát nhiệm vụ phát triển KT - XH của Thủ đô và đất nước, nắm vững và thực hiện sáng tạo nhiệm vụ chuyên môn, nỗ lực phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.