Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới song các công tác chuẩn bị cho giai đoạn dân số già vẫn chưa theo kịp. Già hóa dân số đang đặt ra thách thức với Việt Nam khi cần phải đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế chăm sóc, điều trị người cao tuổi (NCT).

Tốc độ già hóa ở Hà Nội nhanh
Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam, có đến 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế (BHYT) nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị… Hiện nay, thế hệ NCT Việt Nam sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên có tới 70% NCT không có tích lũy vật chất; 18% NCT sống trong hộ nghèo, 10% NCT sống trong nhà tạm, chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe (CSSK). Đặc biệt, vẫn còn nhiều NCT chưa có BHYT.
Đề cập đến thực trạng già hóa dân số ở Hà Nội, TS Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội cho biết, hiện nay số NCT ở Hà Nội là 1,2 triệu người, chiếm 15% tỉ lệ dân số, với tốc độ gia tăng NCT ở mức cao, khoảng 5%/ năm. Hiện tại, những chính sách riêng của Hà Nội đang được triển khai.
Đơn cử, từ năm 2013, TP đã nâng mức trợ cấp cho NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu mức từ 250 nghìn của chính phủ lên 350 nghìn đồng/tháng. Gần đây, TP Hà Nội ban hành nghị quyết số 07/2019NQ-HDND, trong đó miễn tiền vé xe bus cho NCT và một số đối tượng khác.
Ngoài ra, nhân dịp ngày NCT Việt Nam, ngày Quốc tế NCT, dịp Tết đều tặng quà cho NCT.  Thực hiện Chương trình CSSK NCT đến năm 2030, hiện tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho NCT của các quận huyện Hà Nội đạt 84%. TP đang triển khai thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho NCT, đạt mục tiêu cao hơn so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao.
 Già hóa dân số đang đặt ra thách thức với Việt Nam khi cần phải đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế chăm sóc, điều trị người cao tuổi. Ảnh: Hà Linh
Tuy vậy, trong quá trình triển khai công CSSK NCT ở cơ sở còn nhiều khó khăn như một số chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác CSSK NCT. Kinh phí cho hoạt động chăm sóc NCT ở tại cơ sở còn ít. Số NCT không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít (theo quy định đủ 80 tuổi trở lên)…
Theo TS Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội, để đảm bảo hiệu quả CSSK NCT trên địa bàn TP nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật NCT, chương trình hành động về NCT của Chính phủ. Ngành Y tế tăng cường đầu tư nguồn lực nâng cao hiệu quả của kinh tế cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn chăm sóc cho NCT. Đồng thời, Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quan tâm, xem xét hạ độ tuổi người không có lương hưu được hưởng trợ cấp.
Chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gấp 8 lần trẻ em
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện (BV) Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, NCT gia tăng cả về số người và tỉ lệ trong dân số. Trong giai đoạn 2009- 2019, NCT gia tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu. Sẽ chỉ mất không tới 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Già hóa dân số khiến cho NCT phải đối mặt với nhiều bệnh tật mạn tính, có nguy cơ tàn phế, đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ vì NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.
 Chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gấp 8 lần trẻ em.
Qua một nghiên cứu của BV Lão khoa Trung ương với 610 người trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy, có tới 33,61% người góa bụa; 8,2% người sống một mình. 27,97% người cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản (ADL) như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống. 90% cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ (IADL) như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông. Thách thức của số NCT bùng nổ là việc phát triển đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời. Nhân lực chăm sóc NCT chủ yếu dựa vào người nhà. Các điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa.
Theo TS Nguyễn Trung Anh, hiện nay Chính phủ quan tâm đến công tác CSSK cho người già bằng ban hành nhiều văn bản pháp luật như Luật NCT, có Ủy ban quốc gia về NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn gặp nhiều khó khăn, thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực về kinh tế, con người…
Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều sự đầu tư cho chuyên ngành lão khoa tại các trường đại học và hệ thống BV. Hiện nay, công tác CSSK NCT tại Việt Nam đã nâng tầm cao mới, việc chăm sóc NCT khá đặc thù, chăm sóc toàn diện, chữa người bệnh chứ không chỉ chữa từng bệnh đơn lẻ. Hiện BV Lão khoa Trung ương đã thành lập khoảng hơn 30 khoa Lão khoa tại các BV tỉnh. Có những BV chưa có lão khoa riêng mà ghép trong tim mạch lão khoa, cơ xương khớp lão khoa cũng đã chăm sóc NCT rất tốt. “Dinh dưỡng lâm sàng và phục hồi chức năng là phương thuốc hữu hiệu để phục vụ NCT. Vì thế, hiện ngành lão khoa đang tập trung đào tạo và phát triển mạnh hai mũi nhọn này để chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho người già. Trong đó, công tác phục hồi chức năng sẽ được mở rộng phục hồi cả về ngôn ngữ, vận động, tiêu hóa, nuốt…” - TS Nguyễn Trung Anh nói.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới song các công tác chuẩn bị cho giai đoạn dân số già vẫn chưa theo kịp, đặt ra nhiều thách thức cho tương lai. Hiện các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều dưỡng cho khoảng 10.000 NCT là đối tượng nghèo, cô đơn nghèo không nơi nương tựa. Năm 2019, có khoảng 20 cơ sở dưỡng lão tư nhân, chủ yếu ở các thành phố lớn và chỉ chăm sóc cho số lượng rất ít NCT với chi phí cao (khoảng 9 đến 23 triệu đồng/tháng/người)… Như vậy, phần lớn NCT có nhu cầu chăm sóc dài hạn đang sinh sống tại cộng đồng, nơi các dịch vụ chăm sóc xã hội chưa phát triển. Đặc biệt, khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK của một bộ phận NCT còn khó khăn.
Hiện nay, thế hệ NCT Việt Nam sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên có tới 70% NCT hiện nay không có tích lũy vật chất; 18% NCT sống trong hộ nghèo, 10% người cao tuổi sống trong nhà tạm, chưa có điều kiện CSSK. Đặc biệt, vẫn còn nhiều NCT chưa có BHYT. “Do tốc độ "già hóa dân số" tăng nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của nhóm NCT. Các nhà khoa học đã chứng minh, chi phí cho việc CSSK một NCT gấp 8 lần so với một trẻ em… Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.” – bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nêu rõ.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chương trình CSSK NCT đến năm 2030. Một trong những mục tiêu được đưa ra trong Chương trình CSSK NCT đến năm 2030 là NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030.