Nghệ An: Yêu cầu tăng cường theo dõi ứng phó mưa lũ và sạt lở đất

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến mưa lớn xảy ra trên diện rộng từ các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An vừa phát văn bản yêu cầu theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất.

Nội dung công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã; các Sở, ban, ngành thực hiện tăng cường theo dõi diễn biến mưa lũ, chủ động có những phương án ứng phó, kịp thời.

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi…trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt.

Trước diễn biến mưa lớn, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tăng cường công tác ứng phó lũ, sạt lở đất... (ảnh minh họa mưa gây ngập lũ ở Quỳ Châu, Nghệ An hôm 27/9)
Trước diễn biến mưa lớn, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tăng cường công tác ứng phó lũ, sạt lở đất... (ảnh minh họa mưa gây ngập lũ ở Quỳ Châu, Nghệ An hôm 27/9)

Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Sở Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hầm lò, khu khai thác khoáng sản; an toàn hồ đập thuỷ điện và hạ du khi xả lũ, nhất là các thuỷ điện nhỏ; Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông khu vực bị ngập sâu, chia cắt; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính...