Nghị lực của những nhà giáo có chồng công tác nơi đảo xa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 25/1, tại Chương trình Tết Sum vầy do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức, cả khán phòng cùng xúc động với những sẻ chia, những tâm tư của các nhà giáo có chồng đang công tác nơi đảo xa; đồng thời cùng cảm phục ý chí, nghị lực của các cô.

Khắc khoải nỗi nhớ mong

“Người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm dâu nhà lính đều có thể hình dung một phần cuộc sống thiếu vắng chồng… Dù biết, vợ chồng cách xa vời vợi là điều không thể tránh nhưng khi chồng hết phép trở về đơn vị; lúc ốm đau, trái nắng trở trời hay khi vượt cạn, con ốm… tôi mới thấu hết nỗi vất vả của người vợ lính….”, cô Trần Thị Ngọc Tỉnh, giáo viên Trường THCS Linh Đàm, quận Hoàng Mai có chồng là chiến sỹ là Hoàng Duy Hưng, đang công tác tại Đảo Thuyền Chài (Quần đảo Trường Sa) nghẹn ngào chia sẻ.

Cô Trần Thị Ngọc Tỉnh, giáo viên Trường THCS Linh Đàm, quận Hoàng Mai chia sẻ nỗi niềm khi làm vợ người lính đảo
Cô Trần Thị Ngọc Tỉnh, giáo viên Trường THCS Linh Đàm, quận Hoàng Mai chia sẻ nỗi niềm khi làm vợ người lính đảo

Cô Tỉnh cho hay, vợ chồng cô lấy nhau gần được 5 năm nhưng thời gian ở bên nhau của hai vợ chồng vô cùng ít ỏi. Nỗi thiệt thòi của người vợ dù rất lớn nhưng cô cho biết, cô thương các con nhiều hơn vì đến nay, con lớn đã 3 tuổi, con nhỏ vừa 11 tháng nhưng rất hiếm khi được bố trực tiếp chăm lo mà chủ yếu bố - con chỉ chuyện trò qua màn hình điện thoại, câu được câu mất do sóng yếu.

 

Tại Chương trình Tết sum vầy, khi được kết nối trực tiếp qua điện thoại, chiến sỹ Hoàng Duy Hưng, chồng cô giáo Trần Thị Ngọc Tỉnh gửi lời cảm ơn Công đoàn ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các ban ngành, nhà trường đã quan tâm đến đời sống giáo viên nói chung, trong đó có vợ con người lính đảo nói riêng; đồng thời cho rằng, những điều đó góp thêm động lực để các anh yên tâm, vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Mỗi năm, chồng em có tất cả 25 ngày phép nhưng phải chia ra nhiều lần. Với đặc thù công việc của giáo viên là được nghỉ Hè, em luôn mong ước chồng về nhà dịp đó để vợ chồng, con cái được bên nhau nhiều hơn. Tuy thế, 5 năm nay, chưa năm nào mong ước của em thực hiện được. Nếu có điều kiện, anh chỉ tranh thủ về với vợ con một vài ngày ngắn ngủi rồi lại nhận nhiệm vụ lên đường”, cô Tỉnh nói.

Theo lời cô Tỉnh, cô và chồng yêu nhau hơn 1 năm thì cưới. Sau hôn lễ, chồng hết phép vào đơn vị, chỉ còn mình cô vò võ.... Rồi khi đi khám thai, hễ bác sỹ hỏi “chồng đâu”, nước mắt cô lại ứa ra vì tủi thân và khắc khoải. Nhưng rồi, được sự động viên, an ủi từ chồng nơi phương xa, dần dần, cô cũng được tiếp thêm động lực để sống mạnh mẽ. Cô hiểu, chỉ khi hậu phương được mạnh khỏe, vững vàng thì tiền tuyến nơi đầu sóng ngon gió mới yên tâm công tác được.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kết nối, gửi lời chúc mừng năm mới đến các chiến sỹ công tác ngoài đảo xa
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kết nối, gửi lời chúc mừng năm mới đến các chiến sỹ công tác ngoài đảo xa

Cũng như cô Tỉnh, cô Bùi Thị Minh Nguyệt, giáo viên trường Mầm non Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức đã có 18 làm vợ người lính đảo. Chồng cô Nguyệt là chiến sỹ Nguyễn Nhật Thành, đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. 18 năm qua, hầu như không cái Tết nào anh Thành được trở về ăn tết với vợ con. Nỗi nhớ chồng da diết được gói ghém lại, cô Nguyệt luôn mạnh mẽ chăm lo, vụ vén cho nhà chồng, cho con cái có cái Tết yên ấm, đủ đầy.

“Nhớ khi các con tôi còn bé, Tết năm nào các con cũng hỏi “Tết này bố có về không? Có cho chúng con đi chơi không?”. Tôi nghe xong giấu nước mắt trong lòng trả lời các con rằng: “Tết này bố làm nhiệm vụ không về. Bố ở ngoài khơi xa vẫn dõi theo mẹ con mình…”. Đến nay, các con đã lớn khôn, đã hiểu công việc của bố. Ba mẹ con dựa vào nhau cùng sống tốt, cùng vững chãi để bố yên tâm công tác”, cô Nguyệt chia sẻ.

Tự hào có chồng, có bố là lính đảo

Cô Tỉnh kể, sau những ngày xa nhau đằng đẵng, mỗi khi có dịp nghỉ phép ngắn ngày về bên vợ con, chồng cô giành làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo đến đi chợ nấu cơm, đưa đón con đi học. Nhìn cách chồng chăm sóc vợ con, cô cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Cô hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp, bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội. Làm vợ người lính, tuy vất vả nhưng rất đỗi tự hào.

Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa đến vợ, con người lính đảo
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa đến vợ, con của những người lính đảo

“Tôi tự nhủ sẽ là hậu phương vững chắc cho anh; sẽ cùng các người mẹ, người vợ, người thân luôn cố gắng bằng tất cả những gì có thể để chăm lo gia đình, con cái. Chỉ mong anh luôn giữ gìn sức khỏe, vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, cô giáo Trần Thị Ngọc Tỉnh tâm sự.

Với cô Minh Nguyệt, thấu hiểu công việc của chồng nên cô luôn vui vẻ, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, ở nhà, nuôi dạy hai con khôn lớn, khỏe mạnh để chồng yên tâm công tác.

 

Thay mặt ngành GD&ĐT Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương gửi đến tình cảm của đất liền, của quê hương đến những người lính đảo; chúc các anh luôn sức khỏe, yên tâm công tác vì ở hậu phương luôn hướng về các anh.

“Tối nào, sau ca trực, hai vợ chồng cũng gọi điện thoại cho nhau cả tiếng đồng hồ để tâm sự, chia sẻ, kể chuyện gia đình, công việc. Ở xa nhau nghìn trùng, nhiều khi nhiễu sóng không nghe rõ nhưng chúng tôi thấu hiểu, thông cảm cho nhau. Cả tôi và anh luôn giữ sự trân quý, trân trọng, luôn sắt son tình cảm vợ chồng. Cuộc sống xa chồng với tôi có nhiều nỗi buồn nhưng tôi không bao giờ bi quan. Tôi luôn thấy vinh dự vì là vợ người lính đảo”, cô Nguyệt cho hay.

Chia sẻ về người bố đang công tác tại đảo Trường Sa, cháu Nguyễn Nhật Ánh, học sinh lớp 7 Trường THCS Phù Lưu Tế kể rằng: “Cháu luôn giới thiệu với cô giáo và bạn bè rằng bố mình là bộ đội, thực hiện nhiệm vụ canh gác biển đảo quê hương. Cháu tự hào về nghề của bố”.

Theo lời Nhật Ánh, cháu nhớ bố nhất vào mỗi dịp Tết vì bố chẳng bao giờ được ăn Tết ở nhà cùng gia đình. Tuy vậy, bố thường xuyên gọi điện, hỏi thăm con gái về tình hình học tập và sức khỏe. Mỗi lần được nghỉ phép, bố quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ, mua quần áo, cho con đi chơi, đưa đón đi học.

“Con chúc bố ở xa luôn có sức khỏe tốt. Bố yên tâm làm việc, con sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời mẹ. Con yêu bố rất nhiều”, Nhật Ánh gửi lời yêu thương đến bố.

 

Ngày 25/1, Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức Chương trình Tết sum vầy – Xuân sẻ chia – Phát động thi đua năm 2024 – Gặp mặt giáo viên và học sinh là vợ, là con chiến sĩ đang công tác tại biên giới, hải đảo. Chương trình nhằm quan tâm, động viên người lao động và học sinh trong toàn ngành nhân dịp Tết đến Xuân về và cũng là dịp để tri ân những cống hiến của các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.

Lãnh đạo ngành Giáo dục tặng quà có 31 cô giáo là vợ người lính đảo

Qua chương trình, Công đoàn ngành đã tặng quà cho hơn 2.200 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 31 giáo viên là vợ cán bộ chiến sỹ công tác tại biển đảo) và 151 học sinh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Nhân dịp Tết Giáp Thìn, công đoàn sẽ đi thăm hỏi, tặng quà trực tiếp các giáo viên mắc các bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Công ty Vinfast tạo điều kiện để 280 cán bộ, giáo viên, nhân viên được mua xe máy điện giảm giá 32%.

Hưởng ứng ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ biển đảo do TP phát động, Công đoàn ngành giáo dục đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà công vụ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Đắk Nông, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.