Nghị quyết của hành động

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, cùng với việc nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong năm 2021 trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghị quyết 01/2022/NQ-CP nhấn mạnh năm 2022 phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi, phát triển để nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Nghị quyết của hành động
Nghị quyết của hành động

Nghị quyết đã khẳng định sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".

Để thực hiện các kế hoạch của năm 2022, Chính phủ xác định 6 vấn đề trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Riêng với vấn đề thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ tập trung thực hiện 3 trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Một trong những quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Một trong những định hướng chỉ đạo của hành động trong Nghị quyết 01/2022/NQ-CP đó là Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, Chính phủ sẽ tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính phủ cũng thu hút các nguồn lực, nhất là từ xu hướng tăng trưởng xanh, các sáng kiến toàn cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém vừa qua. Trong đó Chính phủ phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng.

Được đánh giá là Nghị quyết của hành động, trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hiện nay, Nghị quyết cũng đề ra các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra, tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn. Thực tế, trước hệ lụy của dịch, nếu không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ khó phát huy được các nguồn lực. Điều này về lâu dài khiến các mục tiêu kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ sẽ rất khó khăn. Chính vì thế, Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để tạo hành lang chính sách cho các địa phương phát huy lợi thế. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những tồn tại, nhất là trong quản lý đất đai, đầu tư dự án để các địa phương phát triển, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, quyết tâm xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện, đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Nghị quyết một lần nữa thể hiện cùng với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, đẩy mạnh khôi phục thị trường lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.