Ngõ không tên

NSNA Hữu Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có TP nào nhiều ngõ như Hà Nội. Nơi đây có những con ngõ có tên, ngõ không tên và ngõ làng lên phố. Và tôi muốn kể con ngõ không tên của Hà Nội.

Hàng ngày, tôi vẫn đi tắt qua các con phố Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ. Tôi có thể đếm được ít nhất 7 cái ngõ không tên của Hà Nội. Có khi người dân sống ở các con ngõ vô danh cũng không biết ngõ đó lại thông sang phố khác.
 Ngõ Hàng Chỉ thông ra ngõ Hàng Quạt.
Giống như Hàng Ngang có ngõ thông sang Hàng Giày. Trong ngõ Hàng Chỉ có 2 ngõ vô danh, một ngõ thông sang Hàng Quạt, một thông sang Hàng Gai. Hoặc là ngõ từ Lương Ngọc Quyến đi ra Hải Tượng, nhưng trong đó lại có một đường thông ra Lương Ngọc Quyến mà không có tên. Ở Hàng Buồm có một cái ngõ rất sâu, thông sang Ngõ Gạch. Ở những cái ngõ không tên, đa số như đường hầm, cao tầm 2,2m, rộng tầm 0,8m có đoạn tối om, phải soi bật lửa hoặc đèn pin. Lắp bóng điện thì không biết đấu vào công tơ nhà ai, ai trả tiền điện, hai xe máy đi ngược chiều bất chợt gặp nhau là giống hai con dê qua cầu. Tôi đã đi rất nhiều qua các con ngõ này để ghi hình, chụp ảnh. Ngồi một chỗ tôi có thể vẽ từng đường nét, khúc khấp khỉu của con ngõ.
Sự hình thành nên ngõ cũng là cả một câu chuyện mà đến giờ người sống ở đó thì muốn dời đi, khách du lịch lại tha thiết trải nghiệm. Sau ngày giải phóng Thủ đô, để tiếp quản TP, từ những căn nhà biệt thự tư sản được chia nhỏ cho các gia đình, đặc biệt là cán bộ ngoài nội thành gìn giữ tiếp quản Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến. Từ căn nhà hàng nghìn mét vuông, được chia ra hàng chục căn hộ, đến khoảng sân, giếng trời cũng được tận dụng tối đa để ở. Khi nhà bị bổ nhỏ, giữa các gia đình sẽ là những lối đi và ngõ không tên hình thành từ đó.
Ngõ Hàng Chỉ thông ra ngõ Hàng Gai.
Sau giải phóng, đất nước còn khó khăn, nên cuộc sống sinh hoạt trong các ngõ không tên cực kỳ bức bách. Người ta đốt than, củi nấu cơm trong ngõ. Khoảng cách mỗi gia đình có thể là tấm vách mỏng, đứng ban công nhà này có thể với bắt tay chào gia chủ nhà kia. Hộ khẩu của mỗi gia đình nhân lên trong từng thế hệ. Có những nhà quá chật, mỗi cặp vợ chồng ngăn nhau bằng chiếc ri đô, đêm tân hôn tân nương tân lang không dám thở mạnh. Thật bi hài. Từ những căn buồng bé, lại được xẻ tiếp bằng các gác xép. Không gian vốn chật hẹp lại càng trở nên bức bách.

Hà Nội bây giờ đời sống khá giả hơn hồi mới giải phóng. Các gia đình trong ngõ không còn chung nhau cái nhà vệ sinh trong ngõ, mà mỗi nhà đã cơi nới, tự tạo nhà vệ sinh khép kín trong căn hộ của mình. Nhưng sự riêng tư ấy càng làm cho không gian sống trong căn hộ thêm chật.

Người sinh sống ở ngõ cũng mang dáng dấp của nhiều tỉnh thành chuyển đến. Nền văn hóa Hà Nội từ bản năng gốc, đã hòa nhập với văn hóa của các miền trên khắp cả nước. Người Hà Nội trước giải phóng, cách ứng xử ảnh hưởng dáng dấp của văn hóa Trung Hoa và đặc biệt là Pháp. Con cái lễ phép, về nhà phải khoanh tay chào ông bà, cha mẹ. Người phụ nữ luôn chuẩn bị chiếc áo dài treo trên móc để khoác ngoài mỗi khi khách đến nhà. Nhưng vì ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên lối sống tân tiến hơn, tự do yêu đương hơn. Mọi con đường của quốc gia đều dẫn đến Thủ đô. Đó là quy luật, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Do những biến động của lịch sử đã tạo nên sự hoán vị lớn về cộng đồng dân cư. Tính cách và văn hóa vùng miền là hành lý mà người ta mang theo đến đất lành (dữ) để tìm bến đậu và đương nhiên người Hà Nội hôm nay là đa tính cách, trong đó tính năng động đã thay thế tính thanh lịch làm chủ đạo. Do vậy nét đẹp của Hà Nội bây giờ có cả sự tinh túy văn hóa của những công dân vùng miền khác nhau đến tạo nên.

Rất nhiều cư dân trong ngõ không tên đã di tản đến các khu phố mới của Hà Nội. Nhiều người bám trụ lại các căn nhà trong ngõ, một phần để sinh hoạt, một phần dành không gian làm du lịch. Khách nước ngoài, hoặc nhiều người Việt Nam thay vì chọn các căn phòng khách sạn, họ thuê nhà trong ngõ để trải nghiệm một cuộc sống của người dân phố cổ Hà Nội, chỉ cần ra đến cửa nhà là có quán nước chè, đồ ăn vặt hàng ngày, hoặc đôi khi là những người bán hàng ăn gánh lượn quanh ngõ. Phong cách, lối sống của người Kẻ chợ cũng vì thế hợp thành trong ngõ. Thi thoảng tôi vẫn đưa người phố cổ đi khám phá phố cổ.