Ngọn thơm làng Láng

Phương Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sáng xuân, tôi tìm đến ngôi cổ tự nằm trên đất Láng Thượng: Chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự, có từ đầu thời Lý, gắn với những truyền thuyết về Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.

 Ảnh: Công Hùng
Đã lâu lắm tôi mới quay lại vùng đất này, dễ từ dạo nó được cuốn vào cơn lốc đô thị hóa. Đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, đường Láng còn là trục đường hẹp ven đô từ Cầu Giấy về Ngã tư Sở, chạy giữa một bên là sông Tô Lịch, một bên là những ruộng rau của các làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ…
Vùng đất này với đặc trưng thổ nhưỡng và nguồn nước khiến nhiều loại rau gia vị được trồng cho hương vị thơm ngon đặc biệt, trong đó quý nhất là rau húng. Húng Láng có húng thơm, húng lủi và húng dổi. Nhưng nói đến húng Láng, thường là nói đến cây húng thơm, thứ rau hàng đầu trong các loại rau gia vị. 
Rồi Hà Nội biến đổi theo quá trình đô thị hóa. Người Hà Nội mừng vì thành phố thêm một khu đô thị hiện đại, nhưng tiếc một vùng rau bị mất đi, đặc biệt là giống thơm Láng có nguy cơ tuyệt chủng. Ngay khi đó, đã có ý tưởng, dù là thời buổi “tấc đất tấc vàng”, thành phố nên dành một khoảnh để trồng, lưu giữ giống rau gia vị quý này.
Câu chuyện ồn ã một thời, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu, người Hà Nội ngậm ngùi về sự mất đi của giống thơm Láng, quen dần với những ngọn thơm trồng đất khác...

Vậy mà may thay, cái ý tưởng bị lãng quên ấy đã được người làng Láng âm thầm thực hiện. Ông Thủy - một người dân Láng Hạ mách tôi mảnh đất phía sau chùa, bên những ngôi tháp cổ lưu giữ hài cốt của các vị sư tổ từng trụ trì tại đây, vẫn trồng các giống rau thơm nổi tiếng của vùng này. Bước qua cổng gạch nhỏ ra vườn tháp của chùa, trong tiết mưa bụi, tôi ngỡ ngàng gặp lại khung cảnh xưa với những ruộng rau của làng Láng ven sông Tô…

Bên luống thơm Láng vừa bén rễ, bắt đầu đâm lộc, cụ Định - người gốc Láng thượng, sắp tuổi bát tuần chỉ cho tôi cách phân biệt giống thơm Láng bản địa với thứ trồng ở nơi khác. Cây thơm Láng lá nhỏ ít răng cưa, mọc lan thành khóm.
Mặt lá xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím, thân cây tròn lẳn, màu tím sẫm hơn. Khi trồng ở nơi khác, giống thơm Láng cho lá to mà xanh nhạt, thân cũng không còn màu tím mà ngả sang màu trắng ngà, mùi thơm gắt hơn. Cụ Định bảo: Hăm chín Tết quay lại đây là có thơm ăn Tết đấy. Mọi người toàn gọi điện đặt trước. Mà cũng chẳng có nhiều, mỗi người dăm mớ mùi, thơm, ít xà lách thôi!

Quả thật, so với diện tích trồng khi xưa, mảnh đất sau chùa Láng nhà chùa cho các cụ khai khẩn không lớn. Vậy mà đủ cả húng, mùi, tía tô, xà lách, đặc biệt là thơm Láng. Một bà trạc ngoại năm mươi đang xới đất cho những gốc xà lách. Dè dặt tiếp chuyện tôi, bà Thành - gia đình đã ba bốn đời ở đất Láng rủ rỉ: Tiếc nghề các cụ thì làm thôi bác ạ! Bỏ công thì cũng được chút đỉnh, mà không phải ai cũng muốn làm, vì ít người còn biết đến ngọn thơm làng Láng. Ấy cũng là nỗi lo chung, bởi những luống thơm không biết lúc nào sẽ lại nhường chỗ cho một công trình mới…

Hăm chín tháng Chạp này, tôi sẽ trở lại theo lời hẹn với cụ Định, bà Thành… với hi vọng những món ngon ngày Tết sẽ thêm nổi vị bởi ngọn thơm chính gốc làng Láng. Và cũng hi vọng, mảnh đất sau ngôi chùa cổ này sẽ chính thức là nơi để các cụ làng Láng giữ lại một đặc sản quý của quê mình như họ đã âm thầm gìn giữ bao năm cho Hà Nội.