Muôn kiểu thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời

Huy Chương - Vũ Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, phong tục đẹp của dân tộc được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Tại Hà Nội: Sáng 8/2 (tức ngày 23 tháng Chạp), nhiều người dân Thủ đô đã đến các sông, hồ trên địa bàn Thủ đô để thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Ghi nhận của PV, tại những địa điểm trên có khá đông các bạn học sinh, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ người dân thả cá chép.
Các bạn trẻ giơ cao những tấm biển ''Thả cá, đừng thả túi nilon'' để nhắc nhở ý thức người dân. Ngoài tấm biển kêu gọi, mỗi tình nguyện viên đều có một chiếc túi to để thu gom tại chỗ túi nilon của người dân thả cá.
Chứng kiến hành động của các bạn trẻ tình nguyện vì môi trường, nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Cá chép được các bạn tình nguyện viên thả vào xô nước rồi phóng sinh xuống lòng sông
Tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ chiều 7/2 (tức ngày 22 tháng Chạp), người dân đã tới các chợ để mua sắm đồ cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Tuy nhiên, không khí mua bán đồ lễ tiễn ông Công, ông Táo năm nay không tấp nập như mọi năm. Nhiều người dân sau khi tan giờ làm chỉ tranh thủ ghé chợ mua sắm một vài thứ đồ lễ.
Theo ghi nhận tại các chợ, nhiều tiểu thương cho biết, năm nay các mặt hàng vàng mã, cá chép có mức giá ổn định so với năm ngoái nhưng lượng người mua lại thấp hơn nhiều.

Người miền Nam thường cúng ông Táo về buổi đêm trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm. Người TP Hồ Chí Minh quan niệm rằng vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã ăn cơm xong, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa nên mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng.
Người dân TP Hồ Chí MInh thả cá chép tiễn ông Táo về trời tại kênh Nhiêu Lộc.

Theo ghi nhận, năm nay việc thả cá của người dân tại đây có ý thức hơn và không xả rác bừa bãi.