Người dân miền núi Quảng Ngãi vào mùa đót

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, cứ vào tháng giêng, hoa đót ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi lại nở rộ. Thứ cây mọc hoang dã này đã mang lại thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

 Hái đót chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cor
Cứ tầm 5-6 giờ sáng mỗi ngày, nhiều người đồng bào dân tộc Cor lại chuẩn bị dụng cụ để lên rừng chặt đót. Có người còn mang theo cả cơm, nước bởi đường đi khá xa, tận trên những sườn núi cao, hiểm trở.
Già Hồ Văn Thế (xã trà Lãnh, huyện Tây Trà) đang ngồi nghỉ ngơi sau một buổi chặt đót. Vừa đưa bàn tay chai sần, đầy vết xướt để vuốt những giọt mồ hôi, vừa chia sẻ: “Năm nay đót ít hơn mọi năm, có lẽ vì người ta trồng keo lai nhiều quá, đót không còn nơi để sống. Đi từ sáng tới đầu giờ chiều chặt được khoảng 15 - 20kg đót tươi, cũng kiếm được 150 – 200 ngàn đồng”.

Đến mùa đót, không chỉ người lớn mà các em học sinh cũng tranh thủ thời gian ngoài giờ đến lớp để chặt đót, phụ giúp gia đình. Mùa đót thường bắt đầu từ cuối tháng Chạp năm trước đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Hoa đót được chặt bỏ bớt phần thân, phơi nắng cho thật khô và bó lại thành bó to có đường kính 1m.
Anh Hồ Văn Thanh, một người chuyên thu mua đót ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng cho biết: “Năm nay giá đót khá ổn định, trung bình đót tươi khoảng 5.000 đồng/kg. Bình quân một ngày có thể thu mua trên 300kg đót tươi. Khoảng 70 kg đót tươi sau khi phơi khô sẽ bó được 1 bó đót đúng kích cỡ. Đót khô sau đó được đưa về xuôi bán lại cho các cơ sở làm chổi”.
Đót là loại cây hoang dã, từ bao đời nay gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi Quảng Ngãi. Hằng năm, cứ vào giai đoạn giáp và sau Tết Nguyên đán, những bông hoa đót lại phủ trắng khắp các sườn núi phía Tây Quảng Ngãi. Năm nay, trời nắng thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi đót. Những bông đót dài, được nắng nên thân trắng đẹp.
Dù nghề hái đót khá vất vả nhưng nhờ loại cây nơi non cao này, nhiều người đồng bào có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống còn nhiều khó khăn.