Người lao động Việt Nam cần 192 triệu đồng để làm việc tại Nhật Bản?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người lao động Việt Nam phải chi phí 192 triệu đồng khi đi Nhật Bản làm việc, có người phải làm việc 7 tháng đến 1 năm để trả. Tuyển dụng công bằng, có đạo đức, giảm chi phí là vấn đề được các tổ chức, chuyên gia, đại diện DN đặt ra tại diễn đàn sáng 5/4.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50%

Ngày 5/4, tại Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam – Nhật Bản năm 2023 tại Hà Nội – Trao đổi nguồn nhân lực phù hợp – Hướng đến tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH Phạm Viết Hương thông tin: Trong những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản có sự phát triển vượt bậc. Người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số người đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Quang cảnh Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023. 
Quang cảnh Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản năm 2023. 

Đối với Chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong hơn 30 năm qua đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng.

Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện tại Việt Nam có hơn 200.000 thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản.

Đối với Chương trình lao động kỹ năng đặc định, tính đến 12/2022, có trên 77.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản (chiếm 58% tổng số lao động đặc định nước ngoài tại Nhật Bản).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số người đi làm việc ở nước ngoài.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số người đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian vẫn còn một số tồn tại như: một số thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản.

Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), có một số tồn tại trong tình hình thực tập sinh kỹ năng Việt Nam tại Nhật Bản. Cụ thể, năm 2021 Việt Nam có 4.772 thực tập sinh kỹ năng mất tích và năm 2022 có 5.572 thực tập sinh kỹ năng mất tích. Chi phí mà người lao động Việt Nam phải chi trả cho tổ chức phái cử/trung gian trước khi đến Nhật Bản là 668.143 Yên, cao nhất trong số 4 nước (Trung Quốc 591.777 Yên, Indonexia 235.343 Yên, Philippnine 94.191 Yên).

Xóa bỏ gánh nặng chi phí

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn cho lao động Việt Nam, chiếm 25% trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản. Qua đó đã đóng góp trong phát triển kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản, kiều hối chuyển về nước tương đương 3 tỷ USD, mỗi năm gửi về Việt Nam, nâng cao kỹ năng lao động.

Tuy nhiên, người lao động Việt Nam phải chi phí 192 triệu đồng để đi làm việc tại Nhật Bản, như vậy chưa tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế về các chi phí lao động phải chi trả. Có một số trường hợp bị vướng vào mua bán người, có những người làm việc 7 tháng đến 1 năm để trả trong điều kiện lao động chưa đáp ứng được.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen thông tin: Người lao động Việt Nam phải chi phí 192 triệu đồng để đi làm việc tại Nhật Bản.
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen thông tin: Người lao động Việt Nam phải chi phí 192 triệu đồng để đi làm việc tại Nhật Bản.

Cần nỗ lực để xóa bỏ các gánh nặng chi phí mà người lao động đang chi trả, là khuyến nghị được bà Ingrid Christensen đưa ra tại diễn đàn. Theo đó, các cơ quan tuyển dụng cần triển khai các dự án hợp tác mang lại môi trường tuyển dụng công bằng, xóa bỏ các chi phí trước khi đi, đảm bảo các tiêu chuẩn bợp đồng đồng đảm bảo hợp lý. Cùng với việc nâng cao năng lực các cơ quan, là tăng cường sự tham gia của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông qua ký kết bản ghi nhớ với quốc gia tiếp nhận lao động. Các cơ quan tuyển dụng cũng cần tham gia vào chương trình này. Và cần phải đảm bảo tuyển dụng công bằng, công việc có điều kiện việc làm việc tốt, có cơ chế khiếu nại hiệu quả khi có sự cố xảy ra…

Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật về người Việt Nam đi là việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2020 Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đã điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tế và sự phát triển của lĩnh vực lao động di cư. Trong đó, bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động. DN dịch vụ phải chi trả toàn bộ thù lao theo Hợp đồng môi giới đối với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và không được yêu cầu người lao động hoàn trả một phần khoản tiền này…

Để tối ưu hóa việc trao đổi nguồn nhân lực, hướng đến tuyển dụng chuẩn quốc tế, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất giải pháp Hiện thực hóa “Tuyển dụng chuẩn quốc tế”, người lao động không phải trả chi phí. Theo đó, các công ty tư nhân cải thiện môi trường tiếp nhận, chi trả chi phí dịch vụ; các DN dịch vụ không để môi giới can thiệp vào quá trình tuyển dụng, DN dịch vụ triệt để tuân thủ quy định pháp luật. Các tổ chức giám sát không nhận hoa hồng từ các DN dịch vụ. Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam thực hiện triệt để Bộ Quy tắc ứng xử. Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng trang web thông tin việc làm cho phép người lao động trực tiếp ứng tuyển với DN dịch vụ.Về phía  Chính phủ và các tổ chức liên quan tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.