Người phạm tội dưới 18 tuổi bị xử lý thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), sáng 2/11, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với chủ đề: “Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi”.

Tham gia buổi tọa đàm có luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, luật sư Nguyễn Quốc Việt và luật gia Phạm Thu Hương.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: Vấn đề “Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi” là vấn đề nóng, diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, thậm chí nhiều vụ án dường như đi vào “ngõ cụt”. Buổi giao lưu góp phần tuyên truyền cho người dân Thủ đô về việc chấp hành kỷ cương, pháp luật tốt hơn.
 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.  Ảnh:  Duy Khánh
Theo Chủ tịch Hội Luật gia TP Nguyễn Hồng Tuyến, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, công dân phải sống và tuân theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện được điều đó, trước hết công dân phải tìm hiểu, có những hiểu biết nhất định về các quy định pháp luật. Đồng thời, công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân rất quan trọng, đặc biệt với người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, từng gia đình, đặc biệt là các phụ huynh phải có trách nhiệm quản lý con em mình trong việc tuân thủ các quy định pháp luật.

Tại buổi tọa đàm – tư vấn trực tuyến, các luật sư, luật gia đã trả lời trực tuyến với độc giả xung quanh pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi. Trong đó, phần lớn các câu hỏi xoay quanh người phạm tội dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý thế nào. Bạn đọc Chu Lan Phương (quận Long Biên, Hà Nội) thắc mắc: Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền trong trường hợp nào? Chủ tịch Hội Luật gia TP Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, căn cứ Điều 99 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Bạn đọc Phùng Thu Thủy (thuthuyhn10@gmail.com) băn khoăn: Các đối tượng dưới 18 tuổi tham gia đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen sẽ bị xử lý thế nào? Luật gia Phạm Thu Hương cho biết, hiện nay, nhiều trường hợp tham gia đòi nợ thuê bằng các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần người đi vay nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (bằng mọi cách lấy được tiền, tài sản) thì phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Trong đó, khung hình phạt nặng nhất sẽ bị phạt tù từ 12 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, các luật sư cũng tư vấn những thắc mắc của bạn đọc xung quanh các vụ việc, tình huống: Người dưới 18 tuổi tham gia đua xe trái phép xử lý thế nào; người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện nào; mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định thế nào; trong trường hợp nào thì áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; giáo dục tại xã, phường được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các trường hợp nào; việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải tuân thủ theo nguyên tắc nào; trình tự, thủ tục xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi…