Nhà báo chuyên viết về phòng chống tham nhũng Nguyễn Hòa Văn: Tâm huyết, đau đáu với thời cuộc

Thiên Tú thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng” và để tham gia giải quyết có hiệu quả vấn nạn nhức nhối này, phải phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh câu chuyện báo chí với công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN).

Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn
Không có báo chí, nhiều vụ tham nhũng chìm xuồng
Là một nhà báo có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các giải báo chí viết về xây dựng Đảng, PCTN, ông có thể chia sẻ tại sao lại chọn lĩnh vực khá gai góc này trong các bài viết?
- Tôi từng có thời gian 15 năm làm Tổng Biên tập báo Biên phòng tâm huyết với việc tuyên truyền xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Từ khi về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 8/2016), với cương vị là Giám đốc Cổng Thông tin điện tử của Hội, tôi nhận thấy trong đời sống chính trị, xã hội còn nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề PCTN. Đặc biệt là sau khi có Nghị quyết T.Ư 4 của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Những câu chuyện này Đảng đã khái quát thành vấn đề chống “giặc nội xâm”, được toàn xã hội đặc biệt quan tâm và vẫn mang tính thời sự cho đến tận hôm nay. Do đó, tôi muốn tiếp cận những đề tài này, muốn viết ra những tác phẩm để người đọc, cán bộ, đảng viên, công chức nhìn nhận, cảnh tỉnh và tự tìm lối thoát cho mình, góp phần hóa giải những nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đi lên mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện chống “giặc nội xâm” được thể hiện trên báo chí như thế nào?
- T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ứng xử với quốc nạn tham nhũng, lãng phí như là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Kết quả bước đầu của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động đang giảm độ nóng về những bức xúc chính đáng của người dân và DN, tạo được sự tăng trưởng về kinh tế, ngăn được một phần dòng chảy thất thoát, lãng phí tài sản công... Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn hiện hữu quá nhiều chuyện nhức nhối nghịch lý chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Tôi đã viết nhiều tác phẩm xung quanh câu chuyện này, trong đó có 3 tác phẩm tâm đắc nhất đoạt giải cao trong các Giải báo chí về phòng chống tham nhũng, Giải báo chí Búa liềm vàng, Giải báo chí Quốc gia. Đó là tác phẩm “Chống được “chạy” sẽ thành công”, 8 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo. Tác phẩm đề cập đến thực trạng về những bất công xã hội, những bất cập, rối loạn kỷ cương do tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp… Tác phẩm thứ hai là “Binh pháp chống giặc nội xâm”, 5 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo, trong đó khái quát, trang bị cho người đọc nhận thức về cuộc chiến rất phức tạp, rất cam go, khốc liệt, nhưng cũng đầy tính nhân văn này. Muốn chống tham nhũng thành công phải đổi mới toàn diện và triệt để về kinh tế và chính trị.
Tác phẩm thứ ba là loạt bài “Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn”, 5 kỳ đăng trên báo điện tử Nhà báo & Công luận, tập trung vào góp xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Trong đó có vấn đề giàu nghèo và câu chuyện lợi ích nhóm; hợp thức hóa dân chủ; thanh lọc, sàng lọc cán bộ đảng viên; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và ngăn chặn quyền lực không chính danh.
Làm báo về mảng nội chính đã khó, viết về đấu tranh PCTN còn khó khăn hơn rất nhiều. Vậy theo ông, làm thế nào để có những tác phẩm báo chí hay về vấn đề gai góc này?
- Hầu hết các tác phẩm của tôi là những bài viết có tính chuyên luận, chính luận đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội. Điều này đòi hỏi người làm báo phải có sự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật thông tin để có dữ liệu chính xác đưa vào bài viết, đảm bảo tính chân thực, thời sự mà vẫn đầy thuyết phục. Quan điểm của tôi là yêu Đảng, yêu chế độ là phải nói, viết hết sức thẳng thắn để góp ý với tinh thần xây dựng.
Tâm huyết với những bài viết về xây dựng Đảng và PCTN, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong công tác này thời gian qua?
- Có thể nói, trong cuộc chiến “giặc nội xâm” nói chung và xây dựng Đảng, chống tham nhũng nói riêng, báo chí có vai trò rất quan trọng. Nhiều người dân nói, nếu không có báo chí, rất nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị chìm xuồng, nhiều vụ việc không được đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan, mặc dù có những thành tựu, vai trò to lớn như thế nhưng trong sự nghiệp chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay, báo chí cũng còn có những hạn chế. Thứ nhất là có khi báo chí còn lệch pha, chậm nhịp so với mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền về những vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội. Thứ hai, bản thân báo chí cũng có sự suy thoái. Nhiều báo, tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, chạy theo mục tiêu kinh tế. Thực tế, ở không ít báo, tạp chí, có những phóng viên chỉ lo đi “đánh đấm”, “hành” DN, gây dư luận không tốt về báo chí.
Người đứng đầu phải sàng lọc, tiếp thu thông tin từ báo chí
Vậy theo ông, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ và cạnh tranh gay gắt hiện nay, báo chí vào cuộc đấu tranh PCTN nên tập trung theo hướng nào ?
- Để đẩy mạnh đấu tranh PCTN trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần tập trung tuyên truyền, góp ý mang tính xây dựng, đề nghị Đảng và Nhà nước phải thay đổi phương thức lãnh đạo, đưa ra chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp lòng dân và loại bỏ được lợi ích nhóm, cơ chế xin cho, tập trung quyền lực. Lợi ích nhóm đang như một thành trì, đột phá nó không đơn giản. Muốn chống tham nhũng triệt để được thì vẫn phải quay trở lại câu chuyện thể chế.
Theo ông, cần cải cách gì về thể chế?
- Thể chế phải kiểm soát được quyền lực, phải thu hút được nhân tài, phải động viên được các thành phần xã hội tham gia xây đựng đất nước. Phải thay đổi thể chế pháp luật, xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều luật, trong đó những luật đầu tiên phải suy nghĩ là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công chức, Luật Đất đai... Chẳng hạn không cơ cấu các chức danh chủ chốt trong hoạt động hành pháp, tư pháp làm đại biểu Quốc hội, HĐND vì đây là những đối tượng phải được giám sát, quyền lực của họ phải được kiểm soát chặt chẽ, không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Ở góc độ báo chí, ông có kiến nghị gì để công tác đấu tranh PCTN đạt hiệu quả cao hơn?
- Hiện nay, quy hoạch báo chí đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo tôi cũng cần phải xem lại quy hoạch này để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo quy định của Hiến pháp, đồng thời để tạo được bầu không khí dân chủ trong xã hội, phản ánh được tiếng nói đa chiều của các tầng lớp Nhân dân. Mặt khác, phải rà soát lại hoạt động của các tờ báo theo chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích cũng như trách nhiệm của các cơ quan chủ quản.
Hơn nữa, báo chí được xác định là lực lượng trụ cột quan trọng làm cho mọi vấn đề được minh bạch, công khai, để hạn chế môi trường dung dưỡng cái xấu cái ác, tiêu cực. Do đó, để báo chí tham gia đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn, cần tạo môi trường để báo chí hoạt động, tiếp cận được các thông tin từ nhiều phía. Đặc biệt, người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, DN phải có văn hóa tiếp thu, lắng nghe báo chí góp ý. Có nghĩa là phải định hình được văn hóa ứng xử với báo chí.
Xin cảm ơn ông!

Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn là Tổng Biên tập báo Biên phòng từ 8/6/2001 – 8/6/2016, trong thời gian đó có 3 năm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng Biên tập báo Biên phòng. Từ tháng 8/8/2016, ông về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam, giữ chức vụ Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đoạt giải báo chí lớn như: Tác phẩm “Chống được “chạy” sẽ thành công” đoạt giải A, giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí lần thứ nhất; Tác phẩm “Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn” đoạt giải B, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ ba (thể loại không có giải A); Tác phẩm “Binh pháp “chống” giặc nội xâm” đoạt giải B giải báo chí Quốc gia 2018 (loại giải không có giải A)…