Nhà ở cho công nhân: Cần đủ về số lượng và an toàn về chất lượng

Thịnh An - Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/9, Báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) cùng AFV hợp tác tổ chức tọa đàm chuyên đề số 4 với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Những cống hiến thầm lặng năm 2023.

Chỗ ở an toàn cho công nhân

Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập báo KT&ĐT, Trưởng Ban tổ chức cho biết, thời gian qua Báo KT&ĐT đã có nhiều hoạt động, nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến nhà khoa học chia sẻ, đề xuất các giải pháp về các vấn đề an sinh xã hội.

Báo KT&ĐT tổ chức buổi Tọa đàm chuyên đề thứ 4 với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”. Đây là chủ đề hết sức có ý nghĩa, vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc, cung cấp thêm các luận cứ để giải quyết những vấn đề đang đặt ra về nhà ở cho người lao động.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi hy vọng thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực với góc nhìn mới, các nhà báo tham dự toạ đàm sẽ có nhiều góc tiếp cận khác nhau, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đảm bảo cho người lao động có chỗ ở an toàn.

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”. Ảnh: Thanh Hải
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”. Ảnh: Thanh Hải

Buổi tọa đàm chuyên đề thứ 4 có chủ đề hết sức ý nghĩa, vừa thời sự, vừa lý luận để giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội đang đặt ra, trong đó có vấn đề thiết thân với người lao động đang hàng ngày lao động đóng góp cho quê hương, đất nước.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi hy vọng, thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực với góc nhìn mới, các nhà báo tham dự tọa đàm sẽ có góc tiếp cận mới về vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề chỗ ở an toàn cho công nhân; từ đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân.

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” cho biết, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra nhiều năm qua. Qua hai buổi tọa đàm trao đổi về các nội dung liên quan đến vấn đề này, đại biểu đã đề xuất các giải pháp đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động hiện nay, đặc biệt là nhà ở bảo đảm điều kiện an toàn và các dịch vụ tối thiểu, như một nhân tố quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội.

Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi bày tỏ hy vọng, thông qua trao đổi về các chủ đề tại buổi tọa đàm lần này, các đại biểu sẽ chia sẻ, cung cấp được nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội khóa XIII hoan nghênh chủ đề tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Theo đó, đây là chủ đề mang ý nghĩa, việc đặt ra vấn đề nhà ở an toàn cho công nhân. Điều này cho thấy Ban tổ chức đã nắm rất rõ, rất sát với vấn đề nóng của xã hội hiện nay. Đó là nhà ở cho công nhân không chỉ bảo đảm đủ mà còn phải an toàn. Điều này thể hiện ban tổ chức đã lắng nghe ý kiến của dân, là cầu nối nói lên tiếng nói của người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Hiện nay, nhà ở xã hội mới đáp ứng được 30% nhu cầu của công nhân lao động, còn 70% công nhân sống thế nào? Cùng với việc đặt câu hỏi này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, an cư không phải là chỗ nương thân mà bảo đảm đầy đủ, an toàn cho công nhân. Khi họ sinh sống ở đây thì không lo cháy, chập điện. Ngoài việc đặt ra những phương hướng mới để bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân lao động, cần đánh giá kỹ nguyên nhân tồn tại của những căn hộ, chung cư mini chưa bảo đảm an toàn.

Chính sách đầu tư nhà ở cho công nhân

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn N&G cho biết: Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu của công nhân, trước hết ở phải an toàn. Việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân. "Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, không thể lụp xụp mãi được. Công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo nơi ở bảo đảm môi trường sống an toàn cho công nhân".

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có quy hoạch và tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách đầu tư về nhà ở cho công nhân nói riêng cũng như nhà ở xã hội nói chung. Quy định cũ trước đây xác định số người/đơn vị diện tích đã quá lỗi thời, cần điều chỉnh. Vụ cháy chung cư mini vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến chất lượng. "Chúng ta không thể để mãi tình trạng nơi ở cho người lao động có chất lượng kém được” - ông Nguyễn Thanh Đặng nêu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là nhu cấu cấp thiết và chính đáng. Hiện nay, 70% số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây.

Để bảo đảm an toàn cho công nhân ở các khu nhà trọ, chung cư quy mô nhỏ này, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Nhà nước cần quản lý để việc vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và bảo đảm về an toàn phòng cháy chữa cháy. "Việc quản lý nên giao cho phường, quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ" - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu.

Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Văn Nghĩa cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các ngành liên quan đã rà soát cơ chế chính sách và cho thấy hiện còn vướng mắc về cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư. Thủ tục đưa công nhân vào ở rườm rà, lâu nên nhà đầu tư xong nhà, chờ vài năm sau mới có tiêu chí để ở.

Vướng mắc thứ 2 là về đất đai, ví dụ khi xây dựng nhà ở xã hội được miễn thuế đất nhưng ở các tỉnh vẫn tổ chức kiểm tra nên rất mất thời gian. Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội vào tháng 10 sẽ thông qua nội dung này để bảo đảm kích thích các nhà đầu tư, tổ chức liên quan.

Tiếp nữa là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Dù quỹ đất có nhưng công tác giải phóng mặt bằng đang còn nhiều khó khăn, đặc biệt các tỉnh. Tỉnh nào không có nguồn thì cần T.Ư, Chính phủ điều tiết để bảo đảm.

Trong quá trình Tổng Liên đoàn triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, có một số vướng mắc là trong luật chưa có điều nào quy định giao đất cho Tổng Liên đoàn để thực hiện vấn đề nhà ở. Về chủ thể đầu tư cũng chưa có nội dung quy định, Tổng Liên đoàn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, hy vọng đợt tới thông qua sẽ có sự thay đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai”.

 

Ủng hộ việc xây nhà lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Đặng đề xuất xây thêm nhà ở xã hội trong khu công nghiệp vì hiện nay các khu công nghiệp đang xây dựng theo mô hình hệ sinh thái, bao gồm: Khu dịch vụ, các công trình xã hội, công tác quản lý, vận hành giống như một khu đô thị. Có như vậy mới tạo được môi trường sống tốt cho công nhân, mới phát triển được các khu công nghiệp theo định hướng môi trường an toàn, có môi trường làm việc tốt hơn. Việc có thêm hình thức nhà ở xã hội trong khu công nghiệp sẽ tạo nhiều sự lựa chọn cho công nhân vì cũng có những trường hợp công nhân muốn ổn định lâu dài trong khu công nghiệp.

Các nước có chương trình phát triển nhà ở xã hội tốt như Singapore, Hàn Quốc và một số nước châu Âu có Quỹ phát triển nhà ở xã hội hình thành từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Tiền từ quỹ này cho các chủ đầu tư vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các hộ gia đình, cá nhân vay thuê mua, mua nhà ở xã hội.