Nhiều hoạt động nghệ thuật trong Lễ đón Bằng di sản quốc gia Tục thờ Đức Thánh Tản

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng từ tháng 1/2018.

Lễ đón bằng công nhận sẽ được UBND huyện Ba Vì tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất, đồng thời khai trương du lịch Ba Vì năm 2018.
 Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì công bố kế hoạch tổ chức lễ đón bằng di sản quốc gia và khai hội Tản Viên Sơn thánh.
Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 7/2 thông báo về kế hoạch tổ chức sự kiện nói trên, ông Bạch Công Tiến – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết, việc công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức thánh Tản Viên Sơn. "Đây cũng là hoạt động tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh của Nhân dân" - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo đó, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày (23, 24, 25/2/2018, tức ngày 8, 9, 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) với nhiều chương trình lễ hội như: Trò chơi dân gian, giao lưu các môn thể thao; hội chợ thương mại Xuân Mậu Tuất; chợ quê ẩm thực; giao lưu văn nghệ của Nhân dân địa phương; dâng hương... Đặc biệt, vào ngày chính hội (ngày 25/2/2018, tức ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) sẽ diễn ra Lễ đón nhận bằng Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là Di sản văn hóa phi vật thể; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018 với chủ đề “Du lịch Ba Vì – điểm hẹn văn hóa”.
 Sẽ có nhiều hoạt động nghệ thuật trong Lễ đón Bằng di sản quốc gia Tục thờ Đức Thánh Tản.
Buổi lễ là sự cụ thể hóa các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh trên địa bàn huyện; cũng như là sự kết hợp giữa phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường sự hợp tác du lịch, giao lưu, xúc tiến phát triển của các khu du lịch của Ba Vì với cả nước và quốc tế, đồng thời, tạo ra mối quan hệ gắn kết mật thiết giữa các khu du lịch trên địa bàn.

Chia sẻ với báo giới, Trưởng phòng VH&TT Ba Vì Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, hiện trên cả nước có hơn 200 nơi thờ tự Tản Viên Sơn Thánh thì Ba Vì chiếm hơn 1 nửa (116 nơi thờ tự). "Điều này thể hiện tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là nét văn hóa tâm linh đặc sắc tại Ba Vì. Mục tiêu của huyện Ba Vì là đưa Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành lễ hội vùng, có quy mô lớn. Thông qua đó, để thu hút đông đảo du khách đến Ba Vì cũng như phát triển ngành du lịch của huyện" - ông Nghĩa nói.