Nhiều sai phạm trong công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Nhà đầu tư chiến lược sớm rút vốn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra “Công tác CP hóa Hãng phim truyện Việt Nam”.

Theo công bố kết luận của Thanh tra, quá trình CP hóa Hãng phim truyện Việt Nam xảy ra nhiều sai phạm. Hiện nay, sau một thời gian lùm xùm nhà đầu tư chiến lược –  Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) xin rút vốn trước thời hạn.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục bán CP cho nhà đầu tư chiến lược của Ban chỉ đạo CP hóa và Công ty cơ bản đã thực hiện theo quy định, tuy nhiên còn một số hạn chế, sai sót như: Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc CP hóa chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược theo quy định; Khi xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong sản xuất phim và văn hóa điện ảnh; Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (được thành lập sau đó) chưa thực hiện một số nội dung được đề ra trong Đại hội cổ đông lần thứ nhất. Nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Chính vì vậy, trong phần kiến nghị xử lý, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các qui trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Vivaso xin rút vốn trước thời hạn.
Ngoài ra, các vấn đề về sử dụng đất ở 4 vị trí được coi là đất vàng gồm: Số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung (Q.1 TP Hồ Chí Minh) cũng được Thanh tra Chính phủ đưa ra các yêu cầu cụ thể. Các vấn đề về giải quyết chính sách cho lao động dôi dư, xây dựng kế hoạch sản xuất phim… cũng được kết luận của Thanh tra Chính phủ đề cập đến để giao cho từng cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên 20 năm qua, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời CP hóa. Sau nhiều lùm xùm, Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị (tháng 6/2017).
Tuy nhiên, ngay khi thực hiện CP hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng việc CP hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm của Hãng phim truyện Việt Nam được xác định bằng 0 đồng.
Hãng sở hữu 4 khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh song có giá trị thấp do là đất thuê. Trước sự việc trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra quá trình CP hóa Hãng phim truyện Việt Nam và định giá lại thương hiệu hãng phim.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần