Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liệu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có đang quá vội vàng khi dự đoán về tương lai của ngành năng lượng?

Trong hơn một thế kỷ, nhu cầu nhiên liệu đã không ngừng tăng lên khi con người liên tục sử dụng lượng lớn than, dầu và khí tự nhiên cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 24/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự đoán rằng nhu cầu sử dụng dầu, khí tự nhiên và than trên toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 – phần lớn đến từ chính sách thúc đẩy năng lượng và giao thông sạch của các quốc gia trên thế giới.

IEA cho biết nhu cầu dầu, mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Nguồn: The New York Times.
IEA cho biết nhu cầu dầu, mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Nguồn: The New York Times.

Theo IEA, đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió và thủy điện sẽ cung cấp 50% điện năng cho toàn thế giới, tăng từ mức 30% hiện nay. Cũng vào thời gian đó, IEA dự đoán rằng số lượng xe điện chạy tham gia giao thông có thể tăng gấp 10 lần hiện nay, kèm theo đó là sự gia tăng đột biến của hệ thống sưởi ấm bằng điện, những trạng trại điện gió được sử dụng vào mục đích phát điện.

Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, nhu cầu về dầu dự báo sẽ luôn duy trì ở mức cao hơn một chút so với hiện nay trong suốt ba thập kỷ tới, trong đó ghi nhận mức tăng ở các nước đang phát triển và giảm ở các nền kinh tế phát triển.

Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho biết: “Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang là xu hướng chung mà mọi quốc gia đều hướng tới. Vấn đề cần quan tâm nhất là điều này sẽ diễn ra trong bao lâu”.

Dự đoán của cơ quan này đã làm dấy lên sự tranh cãi giữa các nhà sản xuất dầu mỏ, khi nhiều ý kiến cho rằng năng lượng hóa thạch vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngành năng lượng toàn cầu và khó có thể thay thế hoàn toàn trong tương lai gần.

Sau khi ông Birol đề cập đến vấn đề này vào tháng 9/2023, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã cảnh báo rằng những dự đoán không chắc chắn như vậy sẽ khiến các quốc gia, nhà đầu tư không còn tập trung vào các hoạt động khoan dầu khí, dẫn dến tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng và thậm chí có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.

Trái ngược vơi dự đoán của IEA, OPEC đã đưa ra dự đoán về việc nhu cầu dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2045.

Phản bác lại quan điểm của OPEC, ông Birol cho biết: “Tôi mong muốn rằng những người đứng dầu của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ sẽ có các cuộc trao đổi với các nhà sản xuất ô tô, ngành công nghiệp bơm nhiệt hay ngành công nghiệp tái tạo về tương lai của năng lượng”.

Tại Mỹ, nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc các ông lớn ngành dầu mỏ liên tục thực hiện các thương vụ M&A trong những tuần gần đây. Ngày 23/10, Chevron công bố kế hoạch mua lại Hess với giá 53 tỷ USD. Trước đó hai tuần, Exxon Mobil cho biết họ sẽ thâu tóm Pioneer Natural Resources với giá 59,5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, trong hai thỏa thuận trên, các gã khổng lồ dầu mỏ đã mua được lượng đá phiến lớn ở những khu vực như: Tex và Bắc Dakota, làm gia tăng triển vọng tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Bên cạnh đó, những dự đoán sai lầm trước đây của IEA càng làm tăng thêm sự hoài nghi về một tương lai không nhiên liệu hóa thạch. Trái ngược với những dự đoán của IEA vào năm 2016 về việc nhu cầu sử dụng than tại Trung Quốc đã đạt đỉnh, quốc gia tỷ dân ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ hơn vào nguồn nhiên liệu này. Thời điểm đó, cơ quan này đánh giá thấp triển vọng phát triển của năng lượng sạch như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió.

Năm nay, IEA nhận định rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành năng lượng thế giới, khi siêu cường châu Á này đang chiếm đến một nửa lượng than sử dụng trên toàn cầu và đóng góp 2/3 mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong thập kỷ qua.

Tuy vậy, một tương lai mà nhiên liệu hóa thạch không còn giữ vai trò then chốt đang dần hiện hữu trước mắt. Chẳng hạn, giá dầu và khí đốt tăng cao khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và xung đột Hamas-Israel khiến các nước ít sử dụng nhiên liệu hóa thạch hơn.

Amy Myers Jaffe, chuyên gia năng lượng tại Đại học New York, cho biết: “Giá dầu mỏ, khí đốt cao khiến người dân ưu tiên sử dụng các nhiên liệu thay thế khác, chẳng hạn như sử dụng ô tô điện thay cho phương tiện chạy bằng xăng, dầu”.