Những “con sâu”cần loại bỏ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc một loạt cán bộ giáo dục tại Hà Giang, Sơn La liên quan đến những gian lận điểm thi vẫn chưa “hạ nhiệt”, dư luận lại “nóng” bởi thông tin một bác sỹ và một kỹ thuật viên của Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 liên quan đến đường dây làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho các đối tượng hình sự nhằm thoát hoặc giảm nhẹ tội.

Một số đối tượng phạm tội mua hồ sơ bệnh án tâm thần giả để đối phó với cơ quan pháp luật
Vụ việc đã bị phát giác, ngăn chặn, nhưng câu hỏi về sự xuống cấp đạo đức cá nhân, trách nhiệm xã hội của đội ngũ cán bộ tiếp tục được đặt ra.
Y tế và giáo dục là hai nghề có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nhưng vụ việc vừa qua dù chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng thực sự là một “cú sốc” cho nhiều người. Nhiều ý kiến đã nhận định, những vụ việc tiêu cực, gian lận trong thi cử sẽ kéo theo những hệ lụy không tốt cho xã hội, bởi đây là những lĩnh vực chuẩn bị nhân lực cho tương lai. Hơn thế nữa, những cán bộ quản lý giáo dục, những người vẫn “rao giảng” cho học sinh về đạo đức, về tính thật thà, trung thực lại chính là người vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực đó, đã tạo nên cảm xúc vừa đau sót, vừa phẫn nộ.
Các vụ việc tiêu cực vừa qua cũng ảnh hưởng đến tâm lý thế hệ trẻ khi cho rằng thi cử bây giờ không phải là việc của học sinh nữa mà có sự can dự của người lớn. Có thể, những “lỗ hổng” trong quy trình tổ chức thi sẽ được khắc phục trong một hai năm tới, nhưng có lẽ phải rất nhiều năm sau nữa, ngành giáo dục mới gây dựng lại được niềm tin của học sinh và toàn xã hội vào sự công bằng trong việc học, việc thi và những phẩm giá cao quý của người thầy.

Với vụ việc tiêu cực mới nhất trong ngành y tế cũng vậy, những bác sỹ đang lạm dụng chính chuyên môn, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình để giúp các đối tượng phạm pháp lợi dụng "kẽ hở" của chính sách, trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì tiền, những người thầy thuốc đã vướng vòng lao lý, họ không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn tiếp tay cho kẻ xấu lộng hành, trốn tránh pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, những sự việc sau khi bị phát hiện, dù sốc nhưng không lạ. Bởi trước cám dỗ của vật chất, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, quản lý Nhà nước dễ bị suy thoái, xuống cấp về đạo đức, gây ra những tiếng xấu cho ngành và xã hội.

“Vườn rau nào cũng sẽ có sâu”, đây là những con sâu mà chúng ta phải loại bỏ trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào. Như phân tích của nhiều chuyên gia, “trong cái rủi có cái may”, cũng chính từ sự việc đau xót này để kiên quyết xử lý, cắt bỏ những “ung nhọt” vẫn âm ỉ bấy lâu để lành mạnh hóa giáo dục, y tế.

Để những câu chuyện buồn về đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội không còn lặp lại, nhiều ý kiến đồng tình rằng, những vụ việc đã được phát hiện, sau khi điều tra kỹ càng, phải xử lý đến cùng, nghiêm minh đúng với các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Chúng ta phải xác định đây là nỗi đau, nhưng thông qua việc xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc, đúng tội và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có vi phạm này, sẽ là một sự cảnh tỉnh. Đây cũng là nhắc nhở rất nghiêm túc với các ngành trong công tác lựa chọn cán bộ, không để những người thoái hóa biến chất trở thành “con sâu” có cơ hội làm xấu đi hình ảnh của bất cứ ngành, nghề, lĩnh vực nào.