Những con số giật mình

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, toàn TP hiện có 2.294 công trình xây sai giấy phép, 7.326 công trình không phép nhưng mới xử lý được 165 công trình vi phạm với số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng…

Vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp.
Vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp.

Rõ ràng, đây là thực trạng rất đáng báo động trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Song, nguyên nhân “tạo” nên con số vi phạm “giật mình” này do đâu, vẫn là dấu hỏi.

Điển hình về vi phạm trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận có chung cư mini 9 tầng ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) vừa qua cũng đã được Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra. Thế nhưng thực tế, xử lý vi phạm – quy trách nhiệm trong công tác quản lý lại không đơn giản bởi sự ràng buộc, đan chéo quản lý “ba bề bốn bên” của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng.

Trong khi đó, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND cấp huyện/quận/thị xã và được lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện mô hình này hồi đầu năm 2023, là hiệu quả.

Sau triển khai, các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Với thành công như vậy nên ngày 26/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm mô hình này cho TP Hà Nội.

Câu hỏi được đưa ra: con số công trình vi phạm mà Sở Xây dựng báo cáo UBND TP mới đây, há chẳng phải đi ngược lại đánh giá của Sở này là vi phạm trật tự xây dựng được kịp thời phát hiện hay sao?!. Bởi lẽ, nếu phát hiện kịp thời, tại sao lại tồn tại tận 7.326 công trình không phép, 2.294 công trình xây sai phép mà mới xử lý được con số vô cùng khiêm tốn là 165? Với con số vi phạm lên tới hàng nghìn nói trên, không biết Đội Quản lý trật tự xây dựng quận/huyện/thị xã sở tại đang ở đâu?

Đành rằng, không phủ nhận những hiệu quả của mô hình quản lý trật tự xây dựng mà TP đang triển khai có vai trò, trách nhiệm cao của không ít các cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng tại nhiều địa phương. Song rõ ràng vẫn có nơi, cán bộ chuyên trách sở tại đã không phát huy vai trò, có sự buông lỏng quản lý, hoặc cố tình làm ngơ cho những sai phạm nên con số công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn mới phình to và giờ chưa biết giải quyết thế nào?

Có lẽ đã đến lúc, công tác quản lý trật tự xây dựng của TP đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của lực lượng thanh tra xây dựng, Đội Quản lý trật tự xây dựng.

Đồng thời, cần phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn. Có như vậy mới mong con số vi phạm nói trên sẽ thu nhỏ lại, bảo đảm được an ninh trật tự đô thị trên địa bàn TP.