Những giá trị sống với thời gian

Bài, ảnh: Hương Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có cuốn sách ố vàng gợi nhớ tuổi thơ mới biết, có cuốn độc bản tìm kiếm bấy lâu nay, có cuốn tiểu thuyết bản in đầu tiên hằn sâu văn phong của người dịch… Thú chơi sách cũ của người Hà Nội, khởi nguồn từ sở thích cá nhân, thế mà đã khiến những giá trị văn hóa lan tỏa mãi qua tháng năm...

“Vua sách cũ” Phan Trác Cảnh

Nổi tiếng trong giới sưu tầm sách cũ ở Hà Nội phải kể đến “vua sách cũ” Phan Trác Cảnh ở số 5 Bát Đàn. Ngôi nhà 4 tầng im lìm, trầm mặc như chính chủ nhân của nó. Nhưng “tài sản” chứa trong ngôi nhà là hơn 10 tấn sách, thì vừa là con số khổng lồ và cũng “biết nói” bởi những giá trị ẩn chứa trong mình. “Nhà sách cũ” - thông tin giản dị như chính thông điệp mà tấm biển gửi đến mọi người.
 Ông Phan Trác Cảnh và một khách hàng người Nhật trong “nhà sách cũ” đồ sộ của mình.
Ông Cảnh đã ngoài 80 tuổi, có thâm niên hơn 30 năm sưu tầm sách. Khi nghỉ hưu, rời phận sự một cán bộ khoa Văn, Đại học Tổng hợp, với chiếc xe máy cà tàng, ông đi khắp các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam… để lùng mua những cuốn sách quý. Ấy là cuốn “Souvernirs de Hue” của Michel Duc Chaigneau viết về Huế bằng tiếng Pháp từ năm 1867. Là "Hán văn tân giáo khoa thư" xuất bản năm 1928 và "Ngũ thiên tự" năm 1929 được ông giữ khá nguyên vẹn. Là người hiểu biết về văn hóa, lịch sử, nên không chỉ sưu tầm các loại sách, ông còn chủ định tìm kiếm những cuốn sách, bài báo theo từng chủ đề, chẳng hạn người Hoa ở Việt Nam, 54 dân tộc Việt Nam, làng xã, các triều đại phong kiến, các cuốn sách gắn với những dấu mốc lịch sử xã hội Việt Nam...

Báo, tạp chí cũng chiếm số lượng lớn trong gia tài của ông, đặc biệt những tờ báo, số báo mà sự ra đời của nó đánh những dấu quan trọng đối với lịch sử báo chí Việt Nam như Gia Định báo (tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt), Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn. Riêng Viễn Đông Bác Cổ bằng tiếng Pháp ông có cả bộ, xuất bản từ năm 1901 - 1986... Ông cũng có khoảng 400 cuốn sách về Thăng Long - Hà Nội, nhiều cuốn rất quý.

Để duy trì hoạt động sưu tầm, ông vẫn phải “dứt ruột” bán bớt những cuốn sách khác đi, song đó chính là một sự “chia sẻ” cho những người yêu sách, cần sách. Chẳng hạn, Yao Takao tìm được cuốn sách mình cần ở nơi đây từ khi còn là sinh viên cho đến bây giờ, khi đã trở thành Giáo sư. Hầu như năm nào ông cũng từ Nhật Bản sang Việt Nam tìm sách và trò chuyện tri kỷ với ông Cảnh. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh của ông cũng theo thầy mà quen thuộc với hiệu sách này. Hay như vợ chồng nhà khảo cổ nổi tiếng Kikuchi Seichi và Abe Yuriko cũng trở thành bạn tâm giao của ông Cảnh trong những lần ghé thăm, tìm tài liệu khảo cổ về gốm sứ Việt Nam. Ngoài ra, ông Cảnh còn có hàng trăm bạn quốc tế đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp...

Bây giờ, ông Cảnh không còn năng nổ như cái thời “xông pha” đãi cát tìm vàng chốn nhân gian nữa, nhưng tiếng tăm của ông, của ngôi nhà số 5 Bát Đàn vẫn như một “địa chỉ đỏ”, một người danh giá của thú chơi tao nhã, hết sức văn hóa của người Hà thành.

Dư “máy chém”

Cũng vào dạng “có số má” về chơi sách, sưu tầm sách cũ ở Hà Nội phải kể đến ông Lương Ngọc Dư (còn gọi là Dư “ngông”) ở 180 Bà Triệu. Phong cách của ông Dư “ngông” như đối lập hẳn với ông Cảnh. Nếu nhà ông Cảnh, ai cũng có thể vào tự do, xem sách trong tĩnh lặng, thì nhà ông Dư, đến cửa đã bị hỏi giật giọng, mua cũng “cấm sờ vào hiện vật” mà phải đứng “trình bày”, nếu không nhớ đúng tên sách cũng phải nêu được lĩnh vực, đặc trưng để ông “đọc vanh vách” những đầu sách, tha hồ mà chọn.
Rồi cũng chính chủ nhân của cửa hiệu sẽ tự tay đi tìm sách cho khách chứ giữa cơ ngơi tầng tầng lớp lớp ấy, ai muốn “thó” một cuốn cũng phải “toát mồ hôi hột”, chả biết đâu mà lần. Giữa mặt tiền cho thuê bỏ rẻ cũng được vài chục triệu một tháng mà lại dùng để chứa đựng văn hóa phẩm, nên ông Dư có quan niệm sách cũ là rẻ, song tùy theo giá trị và nhu cầu sử dụng mà đắt hay cực đắt. Đặc biệt, với những người lặn lội từ “nửa vòng trái đất” tới Hà Nội mua sách thì đương nhiên ông chẳng bao giờ bán ít tiền để “bị khinh”. Có lẽ vậy mà ông còn có thêm biệt danh Dư “máy chém”.

Thú chơi sách cũ là một cách khơi gợi, làm sống dậy giá trị của những cuốn sách, bắt nó phục vụ cho hiện tại chứ không nằm phủ bụi và chìm lấp với thời gian. Chính vì thế, thú chơi ấy vừa làm dày thêm văn hóa cho người Hà Nội vừa đánh thức văn hóa đọc để nó đi sâu rộng hơn vào đời sống của mỗi người.